Villa Tân Định | MIA Design Studio
THÔNG TIN DỰ ÁN:
- Tên công trình: Villa Tân Định
- Vị trí: Quận 3, Hồ Chí Minh
- Năm bắt đầu thiết kế: 2016
- Năm hoàn tất xây dựng: 2020
- Diện tích đất: 283.72 m2
- Diện tích xây dựng: 192.88 m2
- Tổng diện tích sàn: 538.29 m2
- Chủ trì thiết kế: Nguyễn Hoàng Mạnh
- Thiết kế ý tưởng kiến trúc: Trương Nguyễn Quốc Trung, Phạm Thị Phương Nhung
- Thiết kế nội thất: Bùi Thị Hồng Phương
- Thiết kế kỹ thuật: Bùi Hoàng Bảo, Nguyễn Ngọc Thiên Phương, Nguyễn Thị Hảo
- Photo: Oki Hiroyuki
Khi tiếp xúc với chủ nhà, công việc đầu tiên là bàn bạc và thảo luận để giảm lại các nhu cầu đến mức cần và đủ, không thừa không thiếu. Từ bước khởi đầu đó, nhóm thiết kế có thể cùng nhau tạo nên một khu vườn lớn hơn thay vì chỉ là vài mảng cây xanh nhỏ ở lối vào hay bậc tam cấp.
Ý tưởng chính ở đây là tạo nên những không gian sống băng ngang lơ lửng giữa lòng công viên thu nhỏ, cảm giác giống như đang đi dạo trên những cây cầu. Mọi hoạt động trong nhà sẽ được liên kết với nhau qua các khoảng trống luồn lách của cây xanh, mặt nước và ánh sáng tự nhiên.
Một điểm đặc biệt nữa của vị trí khu đất là liền kề các công trình lịch sử của Sài Gòn như: nhà thờ Tân Định, chợ Tân Định, và ngôi nhà cũng đang nằm giữa lòng quận 3, một trong những khu vực “đậm đặc Sài Gòn” nhất của thành phố.
Vào những buổi chiều hay sáng sớm,có thể nghe rất rõ tiếng chuông từ nhà thờ vọng ra, hoặc chỉ cần bước ra khỏi cửa nhà sẽ được kết nối ngay với “hẻm” Sài Gòn, một kiểu không gian rất đặc trưng về văn hóa đô thị. Chính vì lẽ đó, nhóm thiết kế đã tạo ra một lớp bao che bằng lưới thép mảnh, mang tính ước lệ để vừa có thể ngăn cách tương đối về sự riêng tư, vừa có thể bắt trọn những thứ đặc biệt nhất của bối cảnh vào trong lòng công trình. Và trong tương lai, những cây dây leo sẽ bò lan ra trên hệ lưới này tạo nên lớp lọc xanh dịu mát cho ngôi nhà thay vì bê tông và thép.
Hệ cửa kính lùa được sử dụng tối đa, để khi mở cửa thì sự ngăn cách giữa bên ngoài và bên trong không còn nữa, độ dày của kết cấu cũng được tính toán để có thể tạo nên khoảng trống lớn nhưng vẫn mảnh mai.
Hình khối công trình từ bên ngoài nhìn như một chiếc hộp vuông vắn đơn giản, nhưng bên trong lại chứa đựng rất nhiều lớp không gian, các khoảng sáng tối xen kẽ, xen lẫn với vật liệu thô mộc của bê tông, đá rửa. Hiệu ứng cuối cùng mang lại chính là sự thư giãn, khi gia chủ có thể tận hưởng một công viên mang đủ mùi và vị Sài Gòn ngay trong chính ngôi nhà của mình.