You are currently viewing KTS Đoàn Thanh Hà: “Cái gốc nhân văn trong kiến trúc tôi theo đuổi không đổi, chỉ ngày càng rõ ràng hơn” | H&P Architects

KTS Đoàn Thanh Hà: “Cái gốc nhân văn trong kiến trúc tôi theo đuổi không đổi, chỉ ngày càng rõ ràng hơn” | H&P Architects

Tính nhân văn trong kiến trúc mà KTS Đoàn Thanh Hà hướng đến thể hiện qua việc anh theo đuổi kiến trúc vị dân sinh. Vị dân sinh được tác giả giải thích là các thiết kế kiến trúc của dân, do dân, vì dân. Với KTS Hà, anh luôn muốn tạo ra những điều tốt nhất cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, luôn quan tâm, thấu hiểu và mang đến những không gian đầy trách nhiệm vượt qua cả ý nghĩa của một công trình kiến trúc thông thường.

KTS Đoàn Thanh Hà được biết đến là một kiến trúc sư lấy niềm vui của người thụ hưởng vẻ đẹp kiến trúc làm niềm vui và là động lực cho chính bản thân mình. Và anh thể hiện điều đó bằng chính tư tưởng mang đậm chất dân sinh – tìm về những vùng miền xa xôi, mang ý nghĩa chân chính của kiến trúc đến với xã hội. Bất kể là ai đi chăng nữa đều có cơ hội cảm nhận, được sống và thụ hưởng những giá trị cốt lõi mà kiến trúc mang lại.

KTS Đoàn Thanh Hà

Nét nhân văn của anh được thể hiện trong từng suy nghĩ, lời nói, hành động và qua một hành trình không mệt mỏi – theo đuổi kiến trúc vị dân sinh, biến hương vị hạnh phúc trong mỗi thiết kế cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương thành gia vị của cuộc sống, là động lực để bước tiếp, để nỗ lực, để sáng tạo.

Chất nhân văn ngay trong triết lý dân sinh khi xây dựng…

Theo KTS Đoàn Thanh Hà, kiến trúc vị dân sinh bao gồm ba bộ phận chính có mối quan hệ biện chứng với nhau đó là: không gian thiết yếu (Nội dung), cấu trúc nhân tạo theo cách tự nhiên (Cấu trúc) và bộ nguyên tắc ứng xử.

Nội dung ở đây được thể hiện qua các công trình của KTS, đó là việc luôn hướng đến nhóm đối tượng có phần yếu thế trong xã hội. Đây là nét suy nghĩ mang đầy tính nhân văn và có ý nghĩa thiết thực với cộng đồng.

Cấu trúc công trình anh thiết kế đều giữ cho mình quan điểm: học hỏi tự nhiên, nương vào tự nhiên và tái hiện tự nhiên. Đó là tinh thần chung nhất với mỗi thiết kế để giữ được nét hài hòa của công trình với môi trường xung quanh. Không gian sẽ không bị tách rời hay xé lẻ với kết cấu công trình mà kết hợp để tạo thành chỉnh thể hoàn hảo nhất.

Bộ nguyên tắc ứng xử trong thiết kế do anh xây dựng là kim chỉ nam, thống nhất trong chất dân sinh với triết lý, quan điểm thiết kế và tạo dấu ấn riêng cho KTS.

Trước hết đó là về mục đích phải đáp ứng 3 tiêu chí: Của – Do – Vì. Đầu tiên đó là các công trình của dân, tức người dân phải được làm chủ, chủ động trong sử dụng những không gian phục vụ các hoạt động sống thiết thực. Thứ hai, các công trình đó là các thiết kế do dân, tức xuất phát từ nhu cầu và lợi ích thiết thực của dân nên người dân được tham vấn và tham gia thực hiện. Và hơn tất cả mọi công trình cần vì dân hay chính là đáp ứng những nhu cầu thiết yếu và phù hợp với khả năng thực tế của người dân, hướng tới mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội.

Đối với mỗi thiết kế mang hơi thở dân sinh, KTS Đoàn Thanh Hà yêu cầu rất cao về tính hiệu quả của công trình và được gói gọn trong ba từ “Ngon – Bổ – Rẻ”. Công trình phải đẹp mắt, sử dụng tốt để có thể đáp ứng tiêu chí “ngon”; Không những vậy nó còn góp phần làm cho cuộc sống của người dân được đầy đủ, nâng tầm nhận thức, chấn hưng ý chí của người dân; Và vì hướng đến đối tượng yếu thế trong xã hội, các công trình không được quá đắt đỏ vượt qua khả năng của người sử dụng.

Tính hiệu quả và mục đích trong triết lý kiến trúc vị dân sinh còn được bộc lộ qua các tiêu chí trong hành động đó là: Không cưỡng đoạt tự nhiên, không mang (quá nhiều) vật liệu từ nơi khác đến và ưu tiên nhân công là người của địa phương.

Và hiện hữu qua các công trình…

Trong tâm lý học, con người có những nhu cầu về cuộc sống được phân loại theo các thứ bậc từ thấp đến cao. Áp dụng điều đó, những thiết kế của KTS Đoàn Thanh Hà khi hướng đến người dân cũng làm sao để thỏa mãn nhu cầu từ căn bản nhất cho người dùng. “Tôi quan tâm đến giá trị của công trình, biểu hiện cụ thể hơn là thông điệp nó mang lại và lan tỏa trong đời sống” – KTS chia sẻ

Trong nhu cầu về sinh học cá nhân – nhu cầu tối thiểu của con người, anh đã tạo dựng chuỗi công trình “Vườn vệ sinh” cho các em học sinh miền núi. Công trình như một món quà dành cho học sinh và nhà trường, ý nghĩa của công trình không chỉ dừng lại tại một công trình sinh hoạt thông thường mà nó còn thể hiện sự quan tâm cũng như triết lý dân sinh trong kiến trúc mà anh đang theo đuổi.

Vườn vệ sinh ở Điện Biên

Với nhu cầu về an sinh, tác giả có công trình “Tổ ấm nở hoa”. Đây là công trình giải quyết về chỗ ở (house) và tổ ấm (home) cho nhiều triệu đồng bào hàng năm phải vật lộn với thiên tai. Bão lũ, sạt lở,.. những hiện tượng thiên tai cực đoan luôn là nỗi lo lắng cho nhân dân, mục đích của công trình nhằm tạo sự an tâm sinh hoạt cho mọi người, đặc biệt là những thành phần yếu thế trong xã hội.

Chia sẻ về công trình, tác giả cảm thấy vô cùng tự hào vì  và gọi đó là “công trình khởi nghiệp” của mình.

“Tổ ấm nở hoa” công trình đạt giải thưởng quốc tế

Sự tồn tại và phát triển của con người người không thể thiếu được nhu cầu về giao tiếp, chính vì thế KTS đã có công trình mang tên “Không gian thân thiện”. Mục tiêu của BE friendly space là góp phần nâng cao nhận thức xã hội về việc cần thiết có những không gian thân thiện phục vụ cộng đồng trong bối cảnh quá trình đô thị hoá & bê tông hoá đang dần bóp nghẹt Mạo Khê – một trong những thị trấn đông dân cư nhất Việt Nam.

Toàn cảnh công trình “Không gian thân thiện” vào buổi tối

Kiến trúc không chỉ là nghệ thuật mà đó còn là một sự lựa chọn và cách mỗi người hướng, đến trên con đường đó thể hiện rõ cái tâm và tầm của nhà thiết kế. Đi tìm về giá trị đích thực trong kiến trúc là cách mà KTS Đoàn Thanh Hà hướng đến thông qua những công trình mang đậm dấu ấn cộng đồng, dân sinh và biến đổi nó một cách phong phú, cốt sao cho phù hợp với mọi người. “Tôi không làm kiến trúc cho mình nên không giữ mãi một cách biểu hiện quen thuộc để thành thương hiệu, mà đa dạng hóa phù hợp với hoàn cảnh và con người cụ thể.” – KTS chia sẻ.

Ban biên tập

Trả lời