Hội An Ơi Villa | 6717 Studio

THÔNG TIN DỰ ÁN:

  • Tên công trình: Hội An Ơi Villa
  • Địa điểm: 280 Nguyễn Tri Phương, phường Cẩm Nam, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam.
  • Diện tích khu đất: 280m2
  • Diện tích xây dựng: 140m2
  • Thiết kế: 2018
  • Xây dựng: 2020
  • Đơn vị thiết kế: 6717 studio
  • Kiến trúc sư chủ trì: KTS. Lê Viết Hội
  • Cộng sự: Nguyễn Văn Quý, Nguyễn Duy An, Đặng Thanh Bảo, Đỗ Văn Tiến.
  • Kết cấu: Nguyễn Ngọc Thiên
  • Nhiếp ảnh: Hiroyuki Oki

Hội An Ơi Villa là một biệt thự du lịch với 7 phòng ngủ khác nhau: 4 phòng giường đôi, 1 phòng gia đình, 1 phòng hai giường đơn, 1 phòng dorm bốn giường. Công trình có không gian phòng khách, phòng ăn, bếp và hồ bơi. Tất cả các phòng và không gian sinh hoạt chung khai thác triệt để view và gió sông. Yêu cầu thiết kế là biệt thự phải có không khí và tinh thần không gian của Hội An nhưng vẫn mang tính hiện đại, đương thời…

Hội An Ơi Villa được phát triển từ cấu trúc nhà ống của phố cổ Hội An: nhà trước, nhà cầu và nhà sau. Căn biệt thự được tổ hợp từ 3 khối chính kết hợp với các khối phụ. Khối chính tương ứng với không gian ngủ, khối phụ tương ứng với vệ sinh và khu sinh hoạt chung; tạo thành nhịp điệu mặt đứng khu phố và hòa hợp với khung cảnh toàn khu. Tầng trệt của biệt thự được bố trí thành 2 khu vực: không gian công cộng và không gian ở, được kết nối với nhau bằng không gian sảnh phụ và cầu thang. Ở phần không gian công cộng, phòng khách, phòng ăn và bếp được liên thông với nhau và kết nối trực tiếp với hồ bơi bố trí dọc nhà. Không gian ở là phòng gia đình được bố trí ở cuối khu đất, tách biệt với khu công cộng, đồng thời được mở rộng không gian về phía sau là khoảng hiên rộng. Tại lầu 1 và lầu 2, mỗi lầu bố trí 3 phòng, các phòng được ngăn cách nhau bởi khu vực vệ sinh và không gian sinh hoạt chung để tăng sự riêng tư, nhất là vấn đề về âm thanh. Mái hiênsử dụng ở các ban công của Hội An Ơi tạo nên hình ảnh quen thuộc trong các ngôi nhà truyền thống Việt Nam, đồng thời hạn chế hanh nắng và mưa tạt vào ban công. Hình ảnh chiếc cổng nhỏ quen thuôc thường thấy ở Hội An được sử dụng trong công trình, tạo sự thân thuộc và gần gũi khi tiếp cận. Hệ cửa “Thượng song hạ bản” – nét đặc trưng trong kiến trúc truyền thống Hội An được đưa vào thiết kế. Các thanh song có thể trượt kín lại, điều chỉnh việc thông gió và riêng tư cho công trình. Vòm cong trong không gian nội thất được phát triển từ những đường cong của chiếc lồng đèn tạo nét hài hòa và ấn tượng. Thủ pháp ngôi nhà là sự tương phản nhưng vẫn hài hòa. Đó là sự tương phản giữa màu sắc trắng – đen của không gian và nội thất, giữa vẻ hiện đại và truyền thống của đường nét và không gian kiến trúc. Ánh sáng vàng của những chiếc đèn lồng Hội An, làm không gian trở nên ấm cúng và nổi bật, gợi nhớ lại những đêm rằm phố cổ.