Breathing House | VTN Architects

THÔNG TIN DỰ ÁN:

  • Tên công trình: Breathing House – “Hơi thở”
  • Thiết kế: VTN Architects (Võ Trọng Nghĩa Architects)
  • Vị trí: Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
  • KTS chủ trì: Võ Trọng Nghĩa, Kosuke Nishijima
  • Kiến trúc sư dự án: So Adachi
  • Diện tích khu đất: 69.5 m2
  • Diện tích sàn: 343.0 m2
  • Năm hoàn thành: 2019
  • Ảnh: Hiroyuki Oki

“Hơi thở” toạ lạc ở khu vực đông dân cư nằm ở trung tâm của TP HCM. Được xây dựng trên khu đất rộng 3,9m , sâu 17,8m và lối vào duy nhất là một con hẻm nhỏ. Với vị trí này, nhóm KTS dự định thiết kế một ngôi nhà liên kết với môi trường ồn ào bên ngoài nhưng vẫn đảm bảo được sự riêng tư.

Nhìn tổng thể, về mặt vật lý thì việc mở ngôi nhà bị hạn chế ở các mặt trước, trên và sau. Để điều chỉnh khoảng cách với các nhà lân cận mà vẫn tối đa hoá được khu vực mở, nhóm KTS đã quyết định bọc ba mặt trên bằng một “tấm màn xanh”. Và “tấm màn xanh” này chính là những cây leo mọc đan vào những tấm lưới thép.

Đây như một layer mềm bên ngoài ngôi nhà, đóng vai trò khuếch tán môi trường. Hay có thể xem đây là bộ lọc ánh sáng trực tiếp từ mặt trời, ngăn không gian bên trong bị tiếp xúc quá mức, mà vẫn đảm bảo được sự liên kết với môi trường bên ngoài.

Cấu trúc bao gồm những hộp cây, đặt trên một tấm sàn, và những tấm lưới thép được mô-đun hoá để gắn liền với nó. Cấu trúc này cũng góp phần làm cho ngôi nhà nhìn “xanh” hơn rất nhiều, đồng thời cũng  bảo vệ gia chủ khỏi kẻ xấu.

 Với “tấm màn xanh” bọc ở bên ngoài, ngôi nhà còn có 5 khối chính giống như 5 cái tháp đặt so le và nối kết với nhau, và được giới hạn bởi 2 bức tường hai bên. Không gian ngoài được tạo ra bằng việc sắp xếp so le của 5 khối chính, và nhóm KTS gọi đó là “Micro voids” (tạm dịch: khoảng trống siêu nhỏ).

Cách sắp xếp này giúp tạo ra vô số tuyến đường chiếu sáng và thông gió một cách gián tiếp cho toàn bộ ngôi nhà.

Ngôi nhà có địa hình thực tế là nằm ở khu đất hẹp và sâu, những nhà lân cận thì che hết hai bên. Vì vậy, sẽ hiệu quả hơn rất nhiều về mặt môi trường nếu thúc đẩy sự thông gió cho từng góc nhỏ trong ngôi nhà.

Và thay vì làm một khoảng sân rộng để phục vụ mục tiêu trên, thì nhóm KTS đã quyết định chọn “micro voids”. Và nó đã hoạt động một cách vô cùng hiệu quả.

“Micro voids” làm cho mỗi tầng đều có những “lỗ mở”, qua đó gia chủ có một tầm nhìn rộng và bao quát hơn tới các không gian khác.

Cầu thang cũng được thiết kế để trở thành một phần của “micro voids” với ánh sáng trên cùng và dẫn lối trực tiếp tới các phòng trong nhà.

Thành phần xốp của ngôi nhà giúp giảm việc sử dụng điều hoà không khí. Qua đó hỗ trợ tăng cường thông gió tự nhiên, tạo ra đồng thời kết nối không gian và kết nối hình ảnh và độ sâu cho căn nhà.

Sân thượng được bao phủ bởi “tấm màn xanh”, trở thành không gian đầy sắc xanh của cây cối. Đây là một điều hiếm thấy ở các khu đô thị đông đúc.

Ý nghĩa của dự án là tạo ra được một không gian xanh ở khu trung tâm của một thành phố lớn đang phát triển. Chúng tôi hi vọng với thiết kế này, sẽ góp phần ảnh hưởng tích cực tới những thành phố khác ở Việt Nam – nơi đang mất dần đi không gian xanh với tốc độ đáng báo động.