KTS Nguyễn Đặng Anh Dũng quan niệm: “Sản phẩm kiến trúc chỉ là “cái nền” mà ở đó các hoạt động khác được diễn ra. Vai trò của người KTS là chuyển tiếp những yếu tố vô hình (văn hóa bản địa, cách ứng xử khí hậu vùng miền, bối cảnh vận hành khu phố, nếp sinh hoạt của người sử dụng) thành một yếu tố hữu hình phù hợp (kiến trúc)”.
Bắt đầu từ “chân học việc” ở các văn phòng kiến trúc…
Kết thúc những năm tháng ở giảng đường đại học, sau khi tốt nghiệp, anh chọn làm KTS học việc ở văn phòng Designhub. Anh xác định con đường làm nghề của mình sẽ theo hướng độc lập. Tuy nhiên, thay vì vội vàng lập ttudio của riêng mình, anh đã dành cho mình một khoảng thời gian trải nghiệm ở các văn phòng, tích lũy thêm kiến thức.
“Mặc dù là một văn phòng thiết kế nhỏ, nhưng vì vậy mình được làm việc trực tiếp với KTS trưởng và học hỏi được rất nhiều kiến thức, cả về thiết kế lẫn cách quản lý và tổ chức văn phòng” – KTS Nguyễn Đặng Anh Dũng chia sẻ.
Sau ba năm, anh rời Designhub và có dịp cộng tác với một văn phòng kiến trúc Nhật. Quãng thời gian này kéo dài khoảng hai năm. Kết thúc các dự án, anh tiếp tục dành hơn một năm để trải nghiệm công việc tại một số công ty kiến trúc trong nước trước khi thành lập AD+studio.
…đến một văn phòng kiến trúc độc lập – AD+studio
Sau khoảng 5 năm thực hành kiến trúc, KTS Nguyễn Đặng Anh Dũng thành lập AD+studio vào năm 2015. Anh cho biết: “Quá trình làm việc và học hỏi nhiều môi trường khác nhau cho mình cái nhìn tổng quát về cách tiếp cận kiến trúc cũng như cách tổ chức một studio. Những kiến thức này ảnh hưởng nhiều đến quy mô và cách làm việc của văn phòng AD+ sau này.”
AD+ hoạt động đến nay đã 5 năm, không vì sự non trẻ của mình mà lép vế. Studio đã khẳng định mình qua nhiều loại công trình khác nhau, với định hướng riêng mang phong cách thiêt kế AD+. Các thiết kế của văn phòng thường được lấy cảm hứng từ nghệ thuật dân gian đương đại, luôn tôn trọng các giá trị truyền thống, bản địa, nhưng được thể hiện bằng một cách thức, ngôn ngữ hiện đại, mới mẻ.
Từ một cậu sinh viên chập chững mới ra trường, chạy ngược xuôi qua các văn phòng học việc, KTS Nguyễn Đặng Anh Dũng đã dần rẽ bước sang con đường độc lập của riêng mình. Cùng với AD+, anh và cộng sự đã đặt tạo hình tạo khối cho các bản thiết kế phục vụ đời sống con người.
Tôn trọng sự khác biệt thông qua đa dạng kiến trúc
Mỗi công trình kiến trúc, tự nó đã mang trong mình nét riêng biệt, là duy nhất. Đó là vùng đất mới, con người mới, khí hậu, thiên nhiên,… đa dạng. Với tâm niệm thiết kế là tôn trọng sự khác biệt, anh chia sẻ, sản phẩm thiết kế luôn thú vị và bất ngờ, ngay cả với người KTS.
Chính những đặc điểm “về văn hóa giữa các vùng miền, sự khác nhau về bối cảnh khu vực mà công trình được xây dựng, hay nhỏ hơn là sự khác nhau về nếp sinh hoạt, thói quen sống của mỗi cá nhân,…” đã tạo nên ngôn ngữ riêng cho mỗi công trình.
Với cách tiếp cận như vậy, anh không cố và không muốn định hình một phong cách cụ thể nhất định khi thiết kế. KTS trẻ quan niệm: “Sản phẩm kiến trúc chỉ là “cái nền” mà ở đó các hoạt động khác được diễn ra. Vai trò của người KTS là chuyển tiếp những yếu tố vô hình (văn hóa bản địa, cách ứng xử khí hậu vùng miền, bối cảnh vận hành khu phố, nếp sinh hoạt của người sử dụng thành một yếu tố hữu hình phù hợp (kiến trúc).”
Chủ thể – Con người: Làm đầy thêm, trau chuốt hơn “cái nền” kiến trúc
Kiến trúc, dù bay bổng, lãng mạn thế nào, cao xa bao nhiêu, đến cuối cùng vẫn phải quay lại phục vụ con người – đó mới thực sự là công trình có giá trị thiết thực và tồn tại lâu dài. KTS Nguyễn Đặng Anh Dũng không giấu được niềm vui và tự hào của người KTS khi những “đứa con tinh thần” của mình đang phát huy tốt nhiệm vụ của nó. “Mình vui khi những công trình sau khi hoàn thành vận hành phù hợp với nhu cầu và thói quen của người sử dụng”.
Những giá trị công năng của công trình được người dùng khai thác hiệu quả, phục vụ nhu cầu đời sống. Và cái cốt lõi: kiến trúc không cần có thêm sự thay đổi, cải tạo hay chắp vá. Đồng thời chủ nhà cũng yêu hơn, gắn bó hơn không gian kiến trúc, mà ý nghĩa của nó giờ đã hơn cả “nơi đi chốn về”.
Chia sẻ về công trình tâm đắc nhất, KTS Nguyễn Đặng Anh Dũng đã không ngần ngại trả lời là Nhà Nửa Mái và Nhà Chồng Mái. Anh cho biết đây hiện là những dự án đạt được tinh thần làm đầy “cái nền” kiến trúc như anh mong muốn. “Thỉnh thoảng đến thăm lại, mình có thể cảm nhận được sự yêu quý công trình thể hiện qua việc chăm sóc của chủ nhà”.
Các KTS của AD+studio đã thiết kế nên Nhà CHỒNG MÁI – câu chuyện tôn trọng không khí yên bình vốn có, được củng cố và xử lý lại trên một tinh thần đương đại, phóng khoáng và trẻ trung hơn.
Ở công trình này, vai trò kiến trúc chỉ là sự nhận biết và chuyển tiếp. Công trình như một phông nền dung hòa giữa bối cảnh, tự nhiên và con người. Ở đó, người sử dụng – một thực thể linh hoạt sống động – sẽ tự viết nên câu chuyện của chính mình.
Sáng tác kiến trúc không phải công việc sao chép sản phẩm
Khoảng thời gian thực hành kiến trúc hơn 10 năm, anh đã tích lũy cho mình những trải nghiệm nghề nghiệp quý báu. KTS Nguyễn Đặng Anh Dũng chia sẻ về câu chuyện làm đồ án kiến trúc, mà với anh đó là bài học nghề nghiệp sâu sắc đầu tiên với một cậu sinh viên “chân ướt chân ráo” trong nghề.
“Các đồ án kiến trúc sinh viên khuyến khích việc sử dụng tài liệu tham khảo, những hình ảnh diễn đạt không gian sẽ sử dụng trong bài. Thời sinh viên, khi thực tập tại một số văn phòng kiến trúc, mình cũng được hướng dẫn “chọn hình” để áp dụng khi thiết kế. Đây là cách làm thiết kế của mình khi vừa tốt nghiệp. Một trong những công trình thực tế đầu tiên của mình là văn phòng công ty AQUARIUS, tham khảo công trình Homes Café của Penda.
AQUARIUS dự án đầu tiên mình vẽ, giám sát và cùng thợ xây dựng trọn vẹn một sản phẩm, cả về vật liệu, vật dụng và chi tiết. Sản phẩm có mức độ hoàn thiện tốt nhất mình làm được trong giai đoạn này. Tuy nhiên, khi gửi công trình tham gia một triển lãm kiến trúc đầu 2015, nó đã bị giám khảo loại bỏ vì tất cả phương án dự án này giống thiết kế của một KTS khác.
Với một KTS trẻ, đây hẳn là một cú tác động rất mạnh. Từ đây, anh nhận ra “những công trình như vậy chỉ là sản phẩm cóp nhặt, sáng tác kiến trúc không phải công việc sao chép sản phẩm”.
Tư duy về một hướng đi độc lập, mang dấu ấn sáng tạo cá nhân, vẽ theo cách riêng của mình đã hình thành trong chàng trai trẻ từ đây. Và nó cũng là tiền đề cho các sản phẩm thuộc về AD+studio sau này.
Không ngừng thử thách và làm mới bản thân
Chia sẻ về kỳ vọng cho các công trình tương lai, KTS Nguyễn Đặng Anh Dũng khẳng định ước muốn dấn thân và làm mới của những con người trẻ, cùng lòng nhiệt thành với kiến trúc không đổi.
“Nhà ở là một dạng công trình cá nhân, vì được thiết kế cho một (hoặc một nhóm) đối tượng sử dụng cụ thể. Trong tương lai, mình mong muốn trải nghiệm diễn đạt sự đa dạng trên những loại hình khác, ở những quy mô mà đối tượng sử dụng thay đổi từ cá nhân sang cộng đồng. Cách đặt vấn đề cũng sẽ thay đổi dưới góc nhìn bao quát hơn.”
Với anh, kiến trúc là sự thay đổi và kiến tạo không ngừng, luôn thử thách và làm mới trong những dự án mới. Chúc KTS Nguyễn Đặng Anh Dũng và AD+studio sẽ có thêm nhiều dự án thành công hơn nữa!
Ban biên tập
Xem thêm: