“Mình là một người rất dở trong các vấn đề lý luận, nên mình cũng không có triết lý gì riêng cho mình. Gần như là bản năng và cảm nhận sau khi tiếp xúc với chủ nhà và khu đất công trình, bối cảnh địa phương, mình sẽ có cảm hứng thiết kế để đưa ra phương án cho công trình đó”, KTS Huỳnh Anh Tuấn chia sẻ.
Kiến trúc sư và câu chuyện “nghề chọn người”
KTS có một đặc thù là sự kết hợp giữa khoa học kỹ thuật và nghệ thuật. Năng lực tư duy thẩm mỹ, kiến thức về các môn văn hóa, sự kiên trì, nhẫn nại,… là những yêu cầu của nghề không phải ai cũng có thể làm được. Con đường đến với nghề KTS là một chặng đường dài, thử thách lòng đam mê và sự kiên nhẫn.
KTS Huỳnh Anh Tuấn chia sẻ rằng anh đã nuôi dưỡng niềm đam mê vẽ từ nhỏ, đến cấp 3 anh quyết định tìm thầy học vẽ. Sau lời khuyên của thầy giáo, anh quyết tâm theo đuổi ngành kiến trúc, với mong muốn hiện thực hóa những đường nét vẽ trên giấy. Đó là những khối hình vật chất có thực, được hình thành qua tư duy thẩm mỹ và bàn tay khéo léo của người nghệ sĩ kiêm nhà khoa học tài ba. Có thể nói rằng kiến trúc đến với anh như một cơ duyên.
Sau khi ra trường, anh và những người cộng sự cùng đam mê đã lập nên KHUÔN Studio, bắt đầu hành trình rong ruổi tạo hình cho những công trình khắp mọi miền Tổ quốc. Công trình đầu tay của chàng trai trẻ mới ra trường là Kontum House, được xây dựng cho chị gái của mình.
Anh tâm sự :“Mình đã bỏ hết công việc về đó 3 tháng để cùng thợ địa phương thi công căn nhà, mình đã cùng họ đúc từng cái hoa gió đầu tiên”. Ngôi nhà vừa đảm bảo cho chủ nhân là đôi vợ chồng trẻ có cuộc sống thoải mái, vừa đảm bảo vi khí hậu trong nhà, trong giới hạn ngân sách eo hẹp. Công trình với kiến trúc đẹp, độc, lạ đã giúp anh đến gần hơn với bạn bè yêu thích kiến trúc.
Giải thưởng Top 10 House Awards 2019 đồng thời gọi tên 2 công trình của chàng KTS trẻ Huỳnh Anh Tuấn và cộng sự: 18 House và Daughter House. Đó là thành quả của sự cống hiến hết mình vì nghệ thuật, lao động sáng tạo không ngừng để phục vụ đời sống.
Sáng tạo bắt nguồn từ bản năng và sự cảm nhận
Khi nhắc tới triết lý trong kiến trúc mà các KTS theo đuổi, chúng ta sẽ bắt gặp những giá trị độc đáo khác nhau, mang phong cách riêng của mỗi người KTS. Tuy nhiên, KTS Huỳnh Anh Tuấn lại thẳng thắn chia sẻ mỗi công trình của mình đều đến từ bản năng và cảm nhận.
“Thật ra mình là một người rất dở trong các vấn đề lý luận, nên mình cũng không có triết lý gì riêng cho mình. Gần như là bản năng và cảm nhận sau khi tiếp xúc với chủ nhà và khu đất công trình, bối cảnh địa phương, mình sẽ có cảm hứng thiết kế để đưa ra phương án cho công trình đó”. Đó là sự chân thành trong con người, cả sự giản đơn gần gũi trong những thiết kế.
Thật ra, có hay không triết lý trong kiến trúc, tự nó cũng đã mang cho mình cá tính của người KTS. Đôi khi, nó là triết lý không gọi tên, nghệ thuật nào sáng tạo ra cũng nhằm mục đích phục vụ con người, hướng tới những giá trị thẩm mỹ, và tồn tại vì con người.
Các công trình của KTS Huỳnh Anh Tuấn thường là những không gian hiện đại, hòa hợp với thiên nhiên, đặc trưng giếng trời với cây xanh, và gạch bông gió. Niềm cảm hứng về gạch bông gió được khơi nguồn từ các công trình kiến trúc cũ của những vị KTS gạo cội như Ngô Viết Thụ, Trần Đình Quyền…
Anh chia sẻ: “Mình đã rất thích cách họ sử dụng các hệ lam, bông gió với nhiều hình thù thú vị để giải quyết vấn đề thẩm mỹ và công năng phù hợp văn hóa, khí hậu Việt Nam. Nên mình đã quyết tâm sau này khi ra trường học hỏi thêm được nhiều kinh nghiệm thực tế sẽ mở một văn phòng nhỏ. Mình muốn vận dụng những kiến thức và sự quan sát của mình vào việc sáng tạo ra những không gian sử dụng các loại khuôn hoa gió, để giải quyết các vấn đề vi khí hậu cũng như tạo dấu ấn thẩm mỹ riêng cho mỗi công trình“.
“Luôn có những lời giải khác nhau cho những nhu cầu ở và khu đất khác biệt”
Anh quan niệm KTS chính là người giải toán, mỗi khách hàng sẽ là một bài toán mới. Nhiệm vụ của người KTS là tìm lời giải thỏa mãn nhu cầu của khách hàng và yêu cầu thẩm mỹ của cá nhân KTS. Kinh nghiệm nghề nghiệp cùng năng lực tư duy thẩm mỹ vốn có, KTS sẽ tự phác họa ra công trình phù hợp với bối cảnh đất đai, khí hậu và con người nơi nó tọa lạc. “Luôn có những lời giải khác nhau cho những nhu cầu ở và khu đất khác biệt”.
Yếu tố anh quan tâm hàng đầu là giải quyết công năng tối ưu cho căn nhà. “Khi công năng tốt thì hình khối công trình sẽ tự khoác lên một thẩm mỹ thích hợp đi cùng. Có lẽ đa phần mình làm nhà nhỏ nên nhu cầu ở rất nhiều, vì vậy cân đối công năng trên một diện tích nhỏ là bài toán khó nhưng rất kích thích mình để suy nghĩ đến cùng”.
Vì thế, các kiến trúc của anh là những công trình với hình dáng độc đáo, khác lạ và hiện đại. Các công trình đều tuân theo tự nhiên nhưng là sự tự nhiên có tính toán, dựa trên bản năng, sự cảm nhận và kinh nghiệm của KTS. Mỗi công trình giải quyết những công năng khác nhau của chủ nhân, mang những dáng hình độc đáo, tự nó đã là sự sáng tạo đa dạng, mới lạ không trùng lặp.
Thiết kế đòi hỏi sự sáng tạo và cái tôi của KTS để tạo nên những công trình độc đáo, có tiếng nói, màu sắc, câu chuyện của riêng nó. Khi tiếp xúc với chủ đầu tư, cái tôi trong thiết kế kiến trúc của KTS và cái tôi của chủ nhà cần có tiếng nói chung để dung hòa những cá tính trong thiết kế.
Chia sẻ về việc lựa chọn khách hàng, KTS Huỳnh Anh Tuấn nói: “Mình có riêng một nhóm đối tượng khách hàng hợp với phong cách của mình, họ sẽ tìm tới và liên hệ, mình xem bài toán thiết kế hợp sẽ nhận làm. Mình thích những khách hàng tự tìm tới vì thích công trình của mình hơn là khách hàng được giới thiệu qua người quen, mình thích gặp các khách hàng mới, những mảnh đất với bài toán có nhiều yếu tố bất ngờ như đất xéo, đất nhỏ hoặc nhà nhiều vườn cây xanh. Khi họ tìm tới vì thích mình, họ sẽ tôn trọng mình, mình tôn trọng họ. Thì việc trung hòa cái tôi từ 2 phía sẽ không còn là áp lực nữa. May mắn là các khách hàng của mình đều dễ thương như vậy”.
Nghệ thuật kiến trúc luôn thay đổi và phát triển mỗi ngày, người nghệ sĩ – KTS nếu không có niềm nhiệt huyết, đam mê với nghề rất khó để trụ lại lâu dài. Bởi tình yêu nghề chính là khởi nguồn của ngọn lửa sáng tạo bất tận.
“Hiện tại mình vẫn đang giữ nhiệt huyết, đam mê tràn đầy với kiến trúc, nên mình thường bắt tay suy nghĩ một công trình thì các ý tưởng cứ tự nhiên ào tới và mình cứ thế vẽ ra. Nếu một ngày nhiệt huyết cạn dần, hoặc chưa tìm ra cảm hứng thiết kế, mình sẽ tạm dừng lại, có lẽ cần đi học hỏi thêm. Còn rất nhiều KTS tài ba trên thế giới này, còn quá nhiều điều cần trau dồi. Mình chỉ là một hạt cát”, KTS Huỳnh Anh Tuấn trải lòng.
Xem thêm: