You are currently viewing Top 10 Awards 2023: Chạm cuộc sống – Kiến trúc là thiên nhiên

Top 10 Awards 2023: Chạm cuộc sống – Kiến trúc là thiên nhiên

KTS Tadao Ando từng nói: “Tôi tin rằng kiến trúc không nên nói quá nhiều, nên giữ im lặng và đề cho thiên nhiên trong vỏ bọc của ánh sáng mặt trời và gió lên tiếng”. Kiến trúc tạo lập không gian sống cho con người, nhưng cũng chính không gian đó từ sơ khai được hình thành dựa trên tự nhiên, do đó luôn tồn tại mối quan hệ gắn bó sâu sắc giữa kiến trúc và thiên nhiên. Với thông điệp “Chạm cuộc sống”, Giải thưởng Top 10 Awards 2023 tạo môi trường tìm kiếm, khuyến khích, thúc đẩy và tôn vinh những thiết kế kiến trúc không chỉ đáp ứng nhu cầu công năng và thẩm mỹ mà còn khuyến khích sự tương tác tích cực giữa con người và thiên nhiên, kiến tạo giá trị sống nhân văn, bền vững, ý thức sâu sắc về trách nhiệm với môi trường tự nhiên, hướng đến tạo dựng nền kiến trúc với sự hài hòa bền vững. 

Kiến trúc từ khi được hình thành vốn dĩ là sản phẩm của nhân tạo, với ý thức của việc cải tạo môi trường sống tốt hơn cho con người. Thế nhưng, cũng chính tính chất nhân tạo đó đôi khi cũng dẫn tới những xung đột mang tính “thiên tạo”. Kể từ khi con người ý thức được việc cần phải sống hài hòa với thiên nhiên là quy luật không thể tránh được, kiến trúc lúc này mới có bước chuyển từ “cái máy để ở” sang những khái niệm mới như “bền vững”, “sinh thái” và “xanh”. Trong bối cảnh môi trường toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng: ô nhiễm môi trường, nước, không khí, hiệu ứng nhà kính…, kiến trúc xanh, bền vững, sinh thái ngày càng trở nên quan trọng.

Gần đây, kiến trúc hiện đại đã phát triển theo hướng tư duy gần gũi với môi trường thiên nhiên. Đó là lối kiến trúc cộng sinh với môi trường tự nhiên, sử dụng tài nguyên có thể tái sinh (năng lượng mặt trời, năng lượng gió…), tạo môi trường lành mạnh, hòa nhập với môi trường nhân văn của lịch sử và khu vực, ứng dụng các kỹ thuật mới để tiết kiệm năng lượng. 

Công trìnhThe Park của MIA Design Studio thể hiện rõ định hướng hòa hợp với thiên nhiên, như một cảnh quan xanh mát trong thành phố

Với nhận thức và công nghệ mới, con người giờ đây có những ứng xử khác biệt nhưng hóa ra lại chính là căn bản của sự phát triển trên trái đất: Tạo dựng sự hài hòa bền vững. Kiến trúc giờ đây phải là một sự “Chạm” vào: bối cảnh, môi trường, thiên nhiên. Rộng hơn nữa, kiến trúc không chỉ là nơi “Sống được”, mà bản thân kiến trúc phải “Sống”. Kiến trúc chính là thiên nhiên, là bối cảnh, là môi trường và chính là cuộc sống.

Kiến trúc “chạm” là tiếp xúc với thiên nhiên, nương theo tự nhiên, mang đến cho con người không gian sống gắn kết với môi trường, từ đó kết nối, cảm nhận, nuôi dưỡng và thúc đẩy nhận thức của con người trong việc thấu hiểu và hành động để sống chan hòa với thiên nhiên, như KTS Trần Thị Ngụ Ngôn từng chia sẻ: “Cho môi trường thiên nhiên một cơ hội sống chung với con người, khi chạm gần thiên nhiên, con người sẽ học được cách yêu và bảo vệ thiên nhiên hơn”.

KTS Vương Đạo Hoàng – Trưởng Ban tổ chức Giải thưởng Top 10 Awards 2023 chia sẻ: “Với thông điệp “Chạm cuộc sống”, Giải thưởng Top 10 Awards 2023 mong muốn tạo dựng môi trường tìm kiếm, khuyến khích, thúc đẩy và tôn vinh những thiết kế, công trình kiến trúc và nội thất không chỉ đáp ứng nhu cầu công năng và thẩm mỹ mà còn kiến tạo những giá trị sống nhân văn, bền vững, ý thức sâu sắc và trách nhiệm gắn kết với thiên nhiên nhằm hướng đến tạo dựng nền kiến trúc với sự hài hòa bền vững với thời gian”.  

Giải pháp vật liệu hài hòa với bối cảnh và bảo vệ môi trường

Giải pháp sử dụng vật liệu địa phương, vật liệu truyền thống không chỉ giúp khai thác dễ dàng, có thể tái tạo trong môi trường tự nhiên mà còn giúp tạo dựng công trình vừa đảm bảo tiện nghi và chức năng hiện đại, chở che cho công trình khỏi những tác động của thời tiết biến động lớn. Công trình vừa mang hơi thở bản địa, hài hòa với bối cảnh vùng miền, bản sắc đặc trưng của từng khu vực. Và kiến trúc khi đó đã “chạm” vào bối cảnh và trở về với môi trường đặc trưng, truyền tải văn hóa bản địa,  gìn giữ và phát huy giá trị bản sắc Việt – những giá trị  “xưa” nhưng không hề “cũ”.

Ajisai House (Nhà Cẩm Tú Cầu) của IDEE Architects được xây dựng với kết cấu chính là thép được hoàn thiện với đá, gỗ tự nhiên, kết nối dưới các mái dốc rộng nhằm che chở ngôi nhà khỏi tác động của thời tiết biến động lớn 
Pavi homestay với thiết kế giữ lại toàn bộ khung nhà gỗ truyền thống hiện có, những bức tường được ốp gỗ và những bức tường tạo hiệu ứng như nhà trình tường đất của người dân địa phương. những viên ngói âm dương, sử dụng các phương pháp xây dựng địa phương và vật liệu địa phương
AnNam Village thử nghiệm kết cấu thép tiền chế kết hợp với vật liệu gỗ và đá địa phương tạo nên một không gian hiện đại và thanh bình mang màu sắc môi trường nhiệt đới
 

Sự kết hợp hợp lý giữa công nghệ mới và vật liệu truyền thống tạo ra những công trình mang hơi thở thời đại song vẫn tiết kiệm năng lượng với chi phí thấp, góp phần gìn giữ bối cảnh vùng miền và bảo vệ môi trường sống. 

Với sứ mệnh gắn kết với thiên nhiên, Triển lãm Top 10 Pavilion 2023 được thiết kế với lựa chọn vật liệu “tre” – loại vật liệu truyền thống mang đậm đặc trưng văn hóa Việt. Top 10 Pavilion 2023 năm nay bám sát thông điệp “Chạm cuộc sống” nhằm kiến tạo nên một không gian từ tre ôm lấy bối cảnh thân thuộc: Đài phun nước Con Cóc (Vườn hòa Diên Hồng). Một cấu trúc mới được hình thành ôm ấp những giá trị xưa cũ, kiến tạo không gian sống, thay đổi không gian quen thuộc bằng một vật liệu truyền thống bền vững mà lại không hề tác động xấu tới môi trường. Pavilion cũng có thể là ý tưởng từ cơn mưa mùa hạ, đám mây lơ lửng giữa đô thị cổ Hà Nội hay là một sự lãng mạn không tưởng của các kiến trúc sư về một không gian đáng sống của Hà Nội. 

Thiết kế Triển lãm Top 10 Pavilion 2023 sử dụng vật liệu “tre” truyền thống
 

Ứng dụng vật liệu tái chế cũng là cách thức để các thiết kế công trình tận dụng nguồn vật liệu sẵn có, giúp giảm thiểu chi phí xây dựng cũng như những tác động đến cảnh quan thiên nhiên xung quanh. Thay vì vứt bỏ, vật liệu đã được tái sử dụng khi vẫn còn hữu ích. Tái sử dụng theo cách ít ảnh hưởng nhất đến môi trường đã mang lại diện mạo và sức sống mới cho vật liệu, tạo nên những thiết kế hòa hợp với thiên nhiên, góp phần bảo vệ môi trường. 

“Nhà trên cây” sử dụng vật liệu được tháo dỡ từ những công trình cũ mà các kiến trúc sư xin hoặc mua với giá rẻ từ khắp các khu vực lân cận
 
Pizza 4P’s Lotte Mall West Lake với thiết kế bề mặt của sàn được xây dựng bằng cách kết hợp nhiều vật liệu tái chế từ rác thải xây dựng như gạch vụn, gạch đất nung vỡ, mảnh thủy tinh và những mảnh đá vỡ
 

Đưa thiên nhiên vào không gian sống

Bản sắc trong kiến trúc hiện đại là sự liên kết gắn bó giữa con người và môi trường sống. Lối đi đó không chỉ thể hiện ở sự tôn trọng tính bản địa mà còn đề cao thiết kế “chạm” vào thiên nhiên, gắn liền với môi trường, hướng tới sự bền vững. 

Trong bối cảnh môi trường toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng, việc nhận thức và áp dụng “kiến trúc xanh” là một công việc mang tính cấp thiết. Kiến trúc đương đại ngày nay hướng tới “kiến trúc xanh” như một xu hướng để đảm bảo môi trường phát triển bền vững tại các đô thị, nâng cao chất lượng không gian sống cho cộng đồng. 

Những thiết kế công trình giờ đây đều chú trọng đến yếu tố đưa thiên nhiên vào không gian sống. Đó là những thiết kế công trình thấu hiểu tầm quan trọng của cây xanh với thiết kế không gian mở, bố trí những khoảng sân vườn xen kẽ các không gian chức năng nhằm cải thiện chất lượng không khí, điều hòa khí hậu, giảm lượng nhiệt từ bức xạ mặt trời, cân bằng độ ẩm. Kiến trúc chú trọng tạo dựng những không gian nơi con người sống chan hòa với thiên nhiên, cảm nhận sự thư giãn và tĩnh tại do thiên nhiên mang lại. 

“Tổ Dế Mèn” với việc tạo ra các khoảng sân giữa, bố trí các cây xanh cao và khoảng xanh trên mái giúp cho công trình trở nên mát mẻ hơn vì không bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng đảo nhiệt đô thị do sức nóng tỏa ra từ các bề mặt cứng (bê tông, gạch…)
 
Nhà Cao Lãnh với thiết kế bố trí xen kẽ khiến cho ranh giới kiến trúc – cảnh quan trở nên hữu cơ hơn, ôm ấp lấy thiên nhiên xung quanh
 
The Park  của MIA Design Studio thể hiện rõ định hướng hòa hợp với thiên nhiên, như một cảnh quan xanh mát trong thành phố, hoà mình vào thiên nhiên. 
 
Duntax Office của 6717 Studio là không gian làm việc “xanh” với thiết kế bố trí cây xanh bao phủ, kết hợp cây xanh vào mặt đứng nhằm tăng thêm sự đa dạng vật liệu, mềm mại cho công trình, tạo bóng râm và điều tiết ánh sáng cho không gian làm việc
 

Giải pháp vi khí hậu: Linh hoạt để thích ứng với môi trường tự nhiên

Không chỉ là đưa cây xanh vào không gian sống, những công trình “chạm” vào thiên nhiên còn là những thiết kế với giải pháp vi khí hậu, thể hiện thông qua cách thức tổ chức, bố trí không gian linh hoạt cùng những giải pháp kiến trúc đón nắng, đón gió, tận dụng hợp lý và thích ứng với điều kiện tự nhiên. 

Đó là các thiết kế theo điều kiện khí hậu của khu vực, chú ý đến yếu tố tác động qua lại của kiến trúc với môi trường xung quanh, chú trọng đến các giải pháp tổ chức không gian, thông gió và chiếu sáng tự nhiên: thông gió tự nhiên xuyên phòng, luồn dưới mái, mở giếng trời, tường hai lớp ngăn nắng nhưng vẫn cho phép gió luồn qua, tạo nhiều khoảng mở liên thông, có mái che, phân tách không gian…, từ đó đóng góp vào những giải pháp tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường. Đó là cách ứng xử lấy môi trường làm trung tâm để kiến tạo nền kiến trúc với sự hài hòa bền vững.

 Các yếu tố ánh sáng, thông gió tự nhiên đan xen với không gian chức năng tạo ra chất lượng không gian thân thiện, thú vị, thông thoáng cho Quảng Ngãi House 
 
Để giải quyết bài toán thông gió, chiếu sáng và không gian riêng tư, đơn vị thiết kế của The NGÕ Alley House đã đưa ra giải pháp để ngôi nhà có thể làm mát thụ động, mỗi gia đình đều có không gian sinh hoạt ngăn nắp ôm quanh sân giữa và tạo ra những khoảng trống đan xen, điều hoà không khí, tạo các luồng khí đối lưu và
thư giãn từ liệu pháp tự nhiên
 
Mật Ngọt Library được thiết kế nhằm sử dụng năng lượng hiệu quả, vận dụng các yếu tố tự nhiên như ánh sáng và cấp gió, vận dụng tối đa lượng gió theo mùa, giải pháp lớp vỏ bao che công trình để tăng thêm sự thoải mái cho các em học sinh bên trong vào mùa nắng nóng
Công trình Hanoi Eco School ứng dụng hệ thống làm lạnh nguồn mặt đất, tận dụng ánh sáng ban ngày và các tấm pin mặt trời trên mái nhà dành cho năng lượng tái tạo giúp công trình đạt được hiệu suất năng lượng tối ưu, chất lượng không khí được đảm bảo nhờ nguồn cung cấp không khí trong lành dồi dào và sử dụng vật liệu có mức độ độc hại thấp
 
Urban Farming Home là thiết kế mang tính khám phá và rất thành công với cách tiếp cận táo bạo thông qua việc tạo ra những không gian sống đa dạng, cung cấp một cách tối ưu ánh sáng tự nhiên, thiết kế đa dạng sinh thái, tiết kiệm năng lượng và thông gió tự nhiên
 

Kiến trúc là một phần của môi trường sống bản địa. Đối với kiến trúc, từ vật liệu, năng lượng sử dụng cho đến các khía cạnh khác như sự hòa hợp với văn hóa bản địa đều ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường. Do đó, việc giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường cũng là nguồn cảm hứng và mục đích để tạo dựng lối kiến trúc thân thiện và bền vững.

Những công trình “sống” cùng cỏ cây, cùng nắng, cùng gió tạo dựng giá trị sống bền vững trong tương lai. “Chạm” để cảm nhận, để nhận thức được những vấn đề và giá trị của môi trường sống, để thấu hiểu và hành động sáng tạo hơn, linh hoạt hơn và tìm kiếm giải pháp cho mối quan hệ gắn kết hài hòa với môi trường xung quanh. 

Top 10 Awards 2023 là nền tảng sáng tạo, thúc đẩy những thiết kế, công trình ưu tiên sự hài hòa với môi trường bằng ngôn ngữ kiến trúc phong phú, sáng tạo và ý thức về những vấn đề môi trường cấp thiết. Trong tương lai, Giải thưởng sẽ tiếp tục đồng hành và cổ vũ các kiến trúc sư, nhà thiết kế nội thất Việt Nam trên hành trình mang đến những giá trị tốt đẹp cho người dân và xã hội, hướng tới kiến trúc xanh và bền vững.

—————————————————————————————-

Top 10 Awards – Giải thưởng thường niên tôn vinh các tác giả, tác phẩm tiêu biểu nhằm nêu bật giá trị Thẩm mỹ, Sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển của ngành thiết kế Kiến trúc – Nội thất nói riêng tại Việt Nam, ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo Việt Nam nói chung. 

Top 10 Awards do KIENVIET MEDIA tổ chức từ năm 2018 dưới sự bảo trợ của Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Năm 2021, Giải thưởng mở rộng quy mô với 2 hạng mục lớn: Top 10 House Awards & Top 10 Interior Design Awards.

Bước sang năm thứ 6, tiếp nối hành trình mang đến những giá trị tốt đẹp cho xã hội và con người, Ban tổ chức tiếp tục mở rộng thêm hạng mục thứ 3: Top 10 Green Project Awards nhằm thúc đẩy các ý tưởng, khái niệm thiết kế xanh và bền vững.

Thông tin chính thức của giải thưởng vui lòng truy cập:

– Website: kienviet.netTop 10 AwardsInterior Daily

– Fanpage: Top 10 Awards

– Hotline: 097 6658 102

—————————————————————————————-

♦ Đơn vị tổ chức: KIENVIET MEDIA

♦ Đơn vị bảo trợ: Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội đồng công trình xanh Việt Nam (VGBC), Hội Nội thất Việt Nam, ICHAM

♦ Đơn vị tài trợ vàng: Saint Gobain Việt NamKhóa Huy Hoàng 

♦ Đơn vị tài trợ Bạc: VIC Doors & WindowsAritcoDeborah Home

♦ Đơn vị tài trợ đồng: Phòng Tắm Kính Fendi

♦ Đơn vị tài trợ đồng hành: Cửa nhôm KONIGT.SPACE Việt Nam

♦ Đơn vị truyền thông: kienviet.net, Interior Daily

♦ Đơn vị bảo trợ truyền thông: Tạp chí xây dựng, Tạp chí kiến trúc Việt Nam, Tạp chí Kiến trúc nhà đẹp, Truyền hình Quốc Hội

♦ Đơn vị đồng hành truyền thông: Việt CG, Happynest, Tạp chí Đẹp, HomeDecor Plus

Trả lời