Văn phòng Ftel | AfA Design
THÔNG TIN DỰ ÁN
- Tên dự án: Văn phòng Ftel
- Đơn vị thiết kế: AfA Design
- KTS chủ trì: Nguyễn Văn Sinh
- Nhóm thiết kế: Nguyễn Hà Trang, Nguyễn Quang Trung, Lê Văn Phúc, Nguyễn Ngọc Quý, Nhóm nghệ sỹ Đàn Đó
- Địa điểm: Tòa nhà FPT Tower Phạm Văn Bạch, Cầu Giấy, Hà Nội
- Quy mô: 8500 m2
- Năm: 2021
FPT TELECOM là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và Internet hàng đầu tại Việt Nam trên cả 3 miền Bắc – Trung – Nam, KTS được giao nhiệm vụ thiết kế, lên ý tưởng và xây dựng cho trụ sở chính tại TP Hà Nội. Ngay trong buổi đầu làm việc, người đứng đầu đã nói rằng: “Chúng tôi là dân lao động, dân kéo cáp, chúng tôi đi lên từ kéo cáp. Người FTEL rất Cần cù – Máu lửa – Kỷ luật, dám nghĩ dám làm. Chúng tôi cải tạo văn phòng mới với mong muốn để tất cả người FTEL khi về trụ sở tổng đều cảm thấy giống như về nhà”.
Những lời tâm sự đó thôi thúc KTS tìm kiếm những giá trị truyền thống để khơi gợi trong không gian văn phòng Ftel những xúc cảm gần gũi, quen thuộc đồng thời cũng thể hiện một Ftel – một công ty công nghệ viễn thông nhưng đầy bản sắc và truyền thống.
Cấu trúc chính của văn phòng được hình thành theo tư duy thiết kế văn phòng cân bằng, bên cạnh những không gian làm việc đề cao tính năng suất hiệu quả là những không gian mang tính bổ khuyết giúp mọi người dễ dàng hòa nhập, kết nối, nghỉ ngơi và giải trí ngay tại chính văn phòng của mình.
Các không gian bổ khuyết bao gồm: không gian thở, không gian hành lang kết nối, pantry ở trung tâm. Các không gian bổ khuyết này ngăn cách vừa đủ với không gian làm việc để vẫn duy trì không gian làm việc đủ sự thực dụng cần thiết nhưng ngay bên cạnh đó là những không gian đối lập với sự tự do, cởi mở hơn. Chúng bổ trợ cho nhau để duy trì “sự cân bằng” và “tuần hoàn” của quá trình “làm” và “nghỉ” giúp duy trì năng suất làm việc hiệu quả, sáng tạo bền vững hơn.
Ngoài việc lấy pantry làm trung tâm khu vực kết nối NTK còn hi sinh một phần diện tích lớn để mở rộng hành lang giao thông xung quanh pantry để tạo ra khoảng không cho các cuộc gặp gỡ và tường tác một cách tự nhiên. Trong khu vực này bố trí các băng ghế dài kết hợp cây xanh lấy hình tượng từ những thửa ruộng bậc thang và các khu vực ngồi riêng tư hơn tạo hình như các gian hàng chợ quê cung cấp đủ “chất xúc tác” cho “kết nối con người”.
Dải không gian thở sát mặt tiền tòa nhà ngoài chức năng là không gian nghỉ giữa giờ còn có tác dụng làm giảm ánh sáng trực tiếp chiếu thẳng vào khu vực làm để hạn chế việc nhân viên phải kéo rèm suốt cả ngày.
Trong dự này NTK cùng với nhóm họa sĩ Đàn Đó còn khai thác các chất liệu văn hóa rồi hình tượng hóa nó vào trong ngôn ngữ kiến trúc, nghệ thuật điển hình như bức tranh đất làm từ 59 mẫu đất từ 59 tỉnh thành, đàn đó tạo hình từ cuộn cáp mạng,… Ngoài ra việc sử dụng các vật liệu truyền thống như tre, luồng, đất hòa hợp nó trong ngôn ngữ thiết kế hiện đại của một văn phòng, NTK đã thành công trong việc đem đến một diện mạo hoàn toàn mới, một diện mạo đậm hồn Việt cho Ftel.