TRÚC LÂM ANH RETREAT | 6717studio

THÔNG TIN VỀ CÔNG TRÌNH
  • Tên công trình: Trúc Lâm Anh Retreat
  • Đơn vị thiết kế: 6717studio
  • Địa điểm: đường nguyễn lương bằng, hòa thắng, thành phố buôn mê thuột, tỉnh đắk lắk
  • Diện tích khu đất: 400 m2
  • Diện tích xây dựng: 50 m2
  • Hoàn thành: 2020
  • Kiến trúc sư chủ trì: Lê Viết Hội
  • Cộng sự: Nguyễn Văn Đức
  • Kết cấu: Nguyễn Ngọc Thiên
  • Nhiếp ảnh: Hiroyuki Oki

Với người dân quê Việt, “Chái” là không gian mở rộng, làm thêm từ ngôi nhà chính, là nơi chứa đựng sự đơn giản, tiện ích và thân quen. Dù là bếp, hiên, hay một không gian giao tiếp, “Chái” luôn mang lại cảm giác gần gũi. “Chái” thường không có cửa hoặc ít cửa, thoáng đãng từ trước ra sau, mái vươn ra, che bóng mát cho không gian bên dưới. Cũng như nhà “thảo bạt” ở miền Nam, nơi đón khách, tham gia tiệc tùng hay thư giãn bên cạnh phần nhà chính, Trúc Lâm Anh Retreat mang hình ảnh của một không gian “Chái”, một không gian chuyển tiếp, mở rộng và gắn kết.

Cách trung tâm thành phố Buôn Mê Thuột 4km về hướng Đông Nam, Trúc Lâm Anh Retreat với diện tích 50m2 nằm trong khuôn viên sân vườn, bên cạnh căn nhà của gia đình, Đây là một không gian đa chức năng, vừa là không gian làm việc, tiếp khách yên tĩnh, nhẹ nhàng, độc lập với căn nhà chính đồng thời cũng là nơi thư giản, nghỉ ngơi của gia chủ tránh xa không khí ồn ào, náo nhiệt của phố thị.

Trúc Lâm Anh Retreat là sự kết nối giữa những giá trị văn hóa truyền thống và tư duy kiến trúc đương đại, giữa quá khứ và hiện tại. Công trình kết hợp Hàng Hiên, một đặc trưng trong kiến trúc truyền thống Việt, với nhà sàn Tây Nguyên, tạo nên một không gian chuyển tiếp độc đáo, phản ánh sự giao hòa giữa con người, thiên nhiên và văn hóa bản địa. Không chỉ là một cấu trúc vật lý, tổ hợp kiến trúc này là sự hòa quyện giữa hình thức hiện đại và yếu tố nguyên sơ của dân gian. Mái ngói truyền thống được tái hiện trong một hình thái đương đại, nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp giản dị, mộc mạc, như một lời nhắc nhở về nguồn cội. Hai khối chính: khối chức năng và khối đa năng không chỉ phục vụ các nhu cầu sử dụng, mà còn là những thành phần gắn kết trong tổng thể, qua không gian Hàng Hiên, nơi ranh giới giữa không gian nội thất và ngoại thất trở nên mờ nhạt. Đây là sự phản ánh của sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên, giữa tĩnh và động.

Công trình hầu như không có “mặt tiền” theo kiểu thông thường, mà sau mảng tường vát chéo khi qua cổng rào, một “mặt cắt” bộc lộ cấu trúc thể hiện đúng bản chất của nơi chốn. Rất thẳng thắn, mộc mạc, mà cũng rất ý nhị, duyên khéo, khi sắp xếp những “lớp, miếng, cánh” nằm liên tiếp nhau, đến cuối thì chốt bằng một khối cong bậc thang uốn lên sân thượng

Với việc sử dụng vật liệu địa phương như đá tự nhiên, đá mài, gỗ tái sử dụng từ công trình cũ và ngói, Trúc Lâm Anh Retreat hòa quyện sâu sắc với bản sắc Tây Nguyên. Những chất liệu này không chỉ tạo nên vẻ đẹp mộc mạc, gần gũi, mà còn phản ánh sự bền vững, tôn vinh tài nguyên thiên nhiên. Cấu trúc công trình với các vật liệu thô mộc mang lại không gian sống đậm chất truyền thống nhưng vẫn hòa nhịp với xu hướng hiện đại. Nội thất đơn giản, tự nhiên, với gam màu và vật liệu đậm chất núi rừng, tạo nên một tổng thể hòa quyện với thiên nhiên và văn hóa địa phương.

Xem thêm thông tin chi tiết của Trúc Lâm Anh Retreat