THÔNG TIN DỰ ÁN:

  • Tên dự án: Nhà ở Hội An
  • Đơn vị thiết kế: lequang-architects
  • KTS trưởng: Lê Quang
  • Năm hoàn thành: 2020
  • Diện tích xây dựng: 180 m2
  • Địa điểm dự án: Hội An, Việt Nam
  • Thể loại: Nhà ở đơn lập kết hợp nhà cộng đồng thu nhỏ
  • Ảnh: Hoàng Lê

2020 là một năm đầy khó khăn với người dân miền Trung khi mưa lớn và lũ lụt liên tục hoành hành. Cũng chính vào thời điểm đó, lequang-architects bắt đầu thiết kế công trình Nhà ở Hội An. Công trình được xây dựng trên một khu đất lô góc cạnh ngã ba trong một ngôi làng nhỏ, bên dòng sông Thu Bồn thuộc xã Cẩm Thanh, tỉnh Quảng Nam. Mục tiêu của nhóm thiết kế là tạo ra một ngôi nhà có thể thích nghi được với biến đổi khí hậu mà vẫn mang những nét đặc trưng của kiến trúc địa phương. 

Chủ đầu tư là một chuyên gia môi trường, mong muốn ngôi nhà sẽ như một phần đan xen giữa cảnh quan cây xanh của địa phương và phải là một không gian có đủ sự yên tĩnh để tạo ra một môi trường trưởng thành tốt cho cậu con trai nhỏ.

Ngôi nhà này không chỉ là tổ ấm cho gia đình 4 người mà còn là nơi trú ngụ của chim, nhện, côn trùng trong những tán lá cây. Hơn thế nữa, đây còn là một trung tâm cộng đồng nhỏ, nơi chủ nhà làm việc với nhóm hoạt động vì môi trường của mình và gặp gỡ những người hàng xóm để xây dựng mối quan hệ cộng đồng.

Từ yêu cầu của chủ nhà, nhóm thiết kế phát triển ý tưởng từ cách bố trí các không gian trong mô hình nhà ống truyền thống của Hội An, và “cuộn” lại theo cấu trúc vỏ ốc, để các không gian chức năng xoay xung quanh khoảng sân giữa.

Các không gian chức năng ở tầng trệt ngôi nhà được nâng cốt cao hơn khu vườn rộng. Bằng cách đó, ngôi nhà  không chỉ tăng khả năng chống chịu với lũ quét mà còn tạo thêm một không gian sử dụng mới. Ví dụ, trong phòng ăn, phần sàn vừa là sàn nhưng cũng vừa là băng ghế lớn đặt ngoài vườn, nơi mọi người làm việc theo nhóm, đồng thời cũng là băng ghế lớn nơi hàng xóm có thể ngồi trò chuyện. 

Với dự án này, “cấu trúc” là trọng tâm chính trong thiết kế, nhóm thiết kế diễn giải theo hai cách khác nhau:

  • Thứ nhất, “cấu trúc” chính là sự kết hợp và cơ chế vận động của các bộ phận khác nhau tạo nên tổng thể. Ví dụ như tổ chức không gian hình vỏ ốc hoặc kết cấu thép tiền chế lộ thiên.
  • Thứ 2, định nghĩa “cấu trúc” ở đây đề cập tới mối quan hệ giữa ngôi nhà và con người sống tại đó. Các hoạt động của con người được khuyến khích diễn ra theo các tình huống khác nhau, tạo ra các ranh giới không gian khác nhau. Vì thế mà hình dạng không gian thay đổi, thúc đẩy sinh hoạt của con người và hàng xóm, tạo nên một hỗn hợp không gian hòa quyện với nhau và tạo nên ngôi nhà hoàn chỉnh. Như vậy, chính hoạt động của con người tạo ra một cấu trúc cư ngụ, mang tính văn hóa – có lẽ còn quan trọng hơn cả cấu trúc vật lý của ngôi nhà. 

KTS Lê Quang – KTS trưởng của dự án – chia sẻ: “Khi tôi nghĩ về ngôi nhà và cách các không gian thay đổi theo thời gian, tôi coi nó như một thực thể sống. Ngôi nhà cũng giống như một cái cây, tạo ra những khoảng trống và những sắc thái riêng biệt. Nó đẹp không chỉ bởi những phần tiếp xúc với ánh sáng mặt trời mà còn ở cả những phần khuất vào bóng tối. Tôi nghĩ rằng sự thống nhất của một cái cây là cách “cấu trúc” trở thành “kiến trúc”.