Thái Bình House | Chử Ngọc Anh Architects

THÔNG TIN DỰ ÁN: 

  • Dự án: Thái Bình House
  • Văn phòng thiết kế: Chử Ngọc Anh Architects
  • Kiến trúc sư trưởng: Chử Ngọc Anh
  • Nhóm thiết kế: Chử Ngọc Anh, Nguyễn Huy Cường
  • Địa điểm: Đông Hoàng – Đông Hưng – Thái Bình
  • Năm hoàn thành: 2020
  • Tổng diện tích khu đất: 600m2
  • Diện tích xây dựng tầng 1: 125m2
  • Đơn vị thi công: nhân công địa phương
  • Photo: Hoàng Lê 

Công trình nằm tại vùng nông thôn trồng lúa tiếp giáp thành phố Thái Bình. Phần lớn dân cư ở đây đều làm nông nghiệp và trồng lúa. Kiến trúc hiện nay trong làng chủ yếu là nhà 1 tầng đến 2 tầng và những ngôi nhà nông thôn 1 tầng mái dốc truyền thống nay còn lại rất ít.  

Ngôi nhà là nơi sinh sống của ông bà và các con cháu sẽ về chơi mỗi dịp cuối tuần. Mảnh đất hiện trạng đang được ông bà canh tác với mô hình “nông nghiệp tự cung tự cấp” như vườn trồng rau và cây ăn quả, ao nuôi cá, trại gà và kết hợp trồng lúa ngoài đồng. Do đó, phương án thiết kế xoay quanh tiêu chí quan trọng nhất là phải phù hợp với lối sống và thói quen sinh hoạt hàng ngày của họ. Một tiêu chí khác là thông gió tự nhiên, lấy sáng tốt, giảm năng lượng tiêu thụ, tận dụng và tái sử dụng nước mưa cho sinh hoạt. 

Ưu điểm về vị trí ngôi nhà là có 3 mặt thoáng với góc nhìn rộng ra vườn và ao cũng như đón gió Nam tốt; nhược điểm duy nhất là mặt chính nhà hướng Tây.

Với tinh thần thiết kế mang lại sự gần gũi thân thuộc với người lớn tuổi, nhóm kiến trúc sư đã lựa chọn hình dáng và ngôn ngữ nhà mang hơi hướng “nhà truyền thống Bắc Bộ” nhưng hiện đại. Khối nhà chính màu trắng nằm trùng trên vị trí nhà cũ (nhà đã xuống cấp qua nhiều năm), khối nhà gạch đỏ phá cách với việc xoay dọc. Việc nghiên cứu thêm khối xoay dọc tại mặt chính nhà đem lại ưu điểm về đón gió, tăng thêm các góc nhìn ra vườn ao và còn tạo nên ấn tượng về sự tương phản về hình khối, vật liệu kiến trúc giữa 2 khối nhà.

Công việc chính của chủ nhà là trồng lúa, thu hoạch và phơi thóc… nên một sân rộng đa năng chính là đặc điểm không thể thiếu với nhà ở nông thôn. Sân phơi thóc được chuyển đổi thành sân chơi cho các cháu hoặc thành nơi tập trung cỗ bàn, luộc bánh chưng vào những dịp lễ Tết. Đây là không gian kết nối con người với thiên nhiên và gia đình với xóm làng, với cộng đồng.

Mặt tiền nhà gần chính hướng Tây, nhóm kiến trúc sư đã bố trí hàng hiên đóng vai trò một không gian đệm chuyển tiếp giữa trong nhà và ngoài nhà, đồng thời là không gian giảm nhiệt cho phòng khách với việc kết hợp trồng cây xanh che nắng. Việc dùng “rèm cây” chắn nắng bức xạ giúp điều hòa nhiệt độ tốt hơn đồng thời vẫn đảm bảo thoáng gió, tầm nhìn và còn làm mềm không gian kiến trúc, giúp con người với thiên nhiên kết nối chặt chẽ. 

Chủ nhà có nhu cầu kết nối trong nhà với hiên và sân lớn mà vẫn phải đảm bảo tầm nhìn rộng nên nhóm kiến trúc sư đã sử dụng một hệ cửa gỗ cánh xoay mô phỏng hình tượng “cửa bức bàn” truyền thống với khả năng mở tối đa tất cả các cánh cửa. Cánh cửa với lam gỗ dọc giúp cho việc điều tiết ánh sáng và giảm ánh nắng cho phòng khách tốt hơn. Hệ cửa đóng mở dễ dàng để thay đổi trạng thái, thuận tiện trong việc kết nối với hiên, ngoài ra còn tạo mảng vật liệu mạnh mẽ cho mặt chính. 

Khối nhà gạch đỏ chịu nắng trực tiếp mạnh nhất nên được tăng cường chống nóng bằng việc sử dụng gạch lỗ xây 2 lớp (tường 110mm) cho tường xây bao che. Giữa 2 lớp gạch lỗ là khoảng hở không khí rộng 50mm, khoảng không giúp không khí lưu thông làm chậm quá trình truyền nhiệt. Phía mặt ngoài tường được ốp thêm 1 lớp gạch thẻ màu đỏ giúp chống ẩm mốc, chống nóng và tăng độ bền cho tường.

Cũng giống về mặt bằng bố trí so với các công trình nhà truyền thống ở Bắc Bộ (nhà 3 gian 2 chái), một trục chính được thiết lập từ sân qua hiên và vào phòng khách rồi đến khu vực thờ cúng. Trục công năng phụ nằm kề bên tương ứng như “chái nhà” là phòng ăn, phòng bếp, phòng ngủ chính và vệ sinh. Để đảm bảo việc đi lại ra vườn thuận tiện mà không ảnh hưởng đến các không gian khác, một lối đi dành riêng cho ông bà với mái che được đặt bên hông nhà. Bàn sơ chế cũng được bố trí dọc theo lối đi, ông bà sau khi hái rau ở vườn sẽ sơ chế tại đây trước khi mang vào nhà.  

Để tăng tính kết nối và tương tác giữa các thành viên trong gia đình, khu bếp và đảo cây được đưa vào trung tâm của trục công năng phụ. Kết hợp bếp vào vị trí thông tầng còn tạo nên kết nối theo phương đứng với 2 phòng ngủ trên tầng.

Tầng 2 là nơi bố trí phòng ngủ của 2 người con trai về chơi mỗi cuối tuần, và một phòng chơi bóng bàn cho cả gia đình. Nhóm thiết kế đã tận dụng không gian mái dốc để làm một phòng áp mái nhỏ, phù hợp làm phòng ngủ và chơi cho trẻ con. Phòng ngủ nhỏ này nằm trong phòng ngủ của bố mẹ nên rất dễ dàng cho bố mẹ quản lý và tương tác với con cái.

Mái ngói với độ dốc lớn nên việc thu gom nước mưa để tái sử dụng rất dễ dàng. Nước mưa được thu vào bể chứa và một phần được sử dụng phục vụ tắm giặt, phần còn lại được dùng để hỗ trợ tưới vườn.

Ngôi nhà mang tinh thần hiện đại nhưng vẫn lưu giữ những không gian và văn hóa truyền thống. Nhóm thiết kế hy vọng công trình sẽ góp phần tạo nên bản sắc cho kiến trúc nhà ở nông thôn đương đại.