LÀNG MẮM PHÚ YÊN | Nguyễn Thanh Bảo Vương
- Kiến trúc sư: Nguyễn Thanh Bảo Vương
- Diện tích: 2300m2
- Năm: 2024
- Địa chỉ: Làng Biển Lò – Khu phố Phú Thọ 2, phường Hoà Hiệp Trung, thị xã Đông Hoà, tỉnh Phú Yên
- Đơn vị thi công: ANZ Design & Construction
- Nhiếp ảnh: Bùi Minh Quốc
LÀNG MẮM PHÚ YÊN – Biến đổi những ngôi “nhà hoang” thành Khu Nghỉ Dưỡng
Khu đất dự án tọa lạc tại Làng Lò – Phú Thọ 2, Hòa Hiệp Trung, Đông Hòa, Phú Yên, là một làng ven biển nằm tại Phía Đông Nam của tỉnh Phú Yên. ở đây có tất cả các nét đặc trưng của một làng chài ven biển miền trung.
Nổi tiếng từ xưa đến nay tại làng chài này là ba nghề truyền thống thủ công: Làm Bánh Tráng, Cá Trụng và Làm Mắm. Nhưng quá trình đô thị hóa, đã khiến con người nơi đây dần dần xa cách với truyền thống của mình, họ rời bỏ nhà cửa, di chuyển vào thành phố. Vì vậy vùng đất ven biển tuyệt đẹp này dần dần bị bỏ hoang, làng nghề truyền thống và nét văn hóa tại địa phương dần dần bị mai một.
Khi chúng tôi tiếp cận dự án, hiện trạng khu đất là 3 ngôi nhà vườn được xây dựng từ trước năm 1973 thể hiện rõ nét kiến trúc truyền thống của việt nam xưa, cây cối xanh tươi với các loại cây đặc trưng của vùng biển duyên hải miền trung: cây bàng biển, cây nhãn rừng và cây dừa. Điều đặc biệt nhất tại nơi đây là những công cụ thô sơ còn sót lại như: Chum, Vại, Lu,… là những dụng cụ thể hiện rằng, nơi đây đã từng là một nơi hoàng kim của làng nghề truyền thống làm mắm thủ công. Từ những yếu tố đó, trở thành hạt nhân để chúng tôi lên ý tưởng cho công trình Làng Mắm Homestay Phú Yên.
Khi tiến hành thiết kế, Chúng tôi quyết định rằng, tất cả các yếu tố truyền thống từ kiến trúc, cây xanh, hay tinh thần làng nghề truyền thống sẽ được giữ nguyên vẹn nhất có thể, và trở thành linh hồn của dự án, dù sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thi công. Toàn bộ cây cối được giữ nguyên vẹn 100%, không có 1 cây nào bị chặt bỏ. Những ngôi nhà hiện trạng đã xuống cấp không bị phá đi mà được chúng tôi tận dụng, trùng tu một cách tỉ mỉ, toàn bộ nội thất, cửa đi cửa sổ được làm từ gỗ đường tàu (Một loại gỗ được tái chế từ thanh gỗ nằm dưới đường ray tàu lửa, sau nhiều năm bị bỏ đi), Những viên ngói được tận dụng và sắp xếp lại, những mảng tường được đắp vữa đất sét (một loại vữa truyền thống tại địa phương). Tất cả những điều này sẽ làm công trình tiết kiệm nguyên vật liệu, bảo vệ môi trường cũng như giữ lại nét kiến trúc truyền thống hiện hữu. Đồng thời biến đổi công năng ngôi nhà ở xưa thành một ngôi nhà nghỉ dưỡng để phục vụ đúng công năng mới của chúng, khi đi vào vận hành công trình từ một nơi hoang vắng sẽ tạo ra công ăn việc làm cho người dân tại địa phương, giúp cho vùng đất này phát triển du lịch một cách bền vững . Các dụng cụ làm mắm thủ công: Chum, Vại, Lu,…. trở thành nguyên liệu để thổi hồn cho dự án, để khi con người trực tiếp sống tại đây, ngoài giá trị về lưu trú, nghỉ dưỡng, thì giá trị tìm hiểu văn hóa bản địa trở thành một điều không thể thiếu cho mỗi chuyến đi của họ.
Mong muốn lớn nhất của chúng tôi khi đưa Làng Mắm Phú Yên vào hoạt động là kiến tạo một không gian sống bình yên, trong lành, một hình ảnh nông thôn mới cho làng quê Việt nhưng vẫn giữ lại nét truyền thống xưa, trong bối cảnh bùng nổ đô thị hóa hiện nay.