THÔNG TIN VỀ CÔNG TRÌNH
  • Tên công trình: Noah’s Nest
  • Địa điểm: Tiền Giang – Việt Nam
  • Diện tích: 56m2
  • Năm hoàn thành: 2024
  • Đơn vị thiết kế: Archiro Vietnam
  • Nhóm thiết kế/KTS chủ trì: Phạm Thị Huyền

Noah’s Nest, tổ ấm nhỏ tại Tiền Giang – một trong những vùng sản xuất lúa gạo lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long – là sự kết hợp hài hòa giữa hình thức kiến trúc hiện đại và các yếu tố văn hóa địa phương. Đây là món quà mà một diễn viên đang hoạt động tại Tp.HCM, xây dựng tại quê hương để dành tặng cho cha mình làm nơi an dưỡng tuổi già. Ngôi nhà không chỉ là nơi nghỉ dưỡng tránh xa nhịp sống hối hả thị thành, mà còn là không gian gắn kết sâu sắc với cội nguồn và lịch sử nông nghiệp phong phú của Tiền Giang.

Ngôi nhà có diện tích chỉ hơn 50m² nhưng được tổ chức không gian tối ưu nhờ nguyên tắc mở đa chiều. Với 3 mặt tiếp xúc với ánh sáng và không khí tự nhiên, cùng hệ thống cửa lớn, các ô thông gió và giếng trời trung tâm. Cách bố trí này không chỉ khai thác tối đa ánh sáng tự nhiên và luồng khí đối lưu, mà còn giảm thiểu sự phụ thuộc vào các thiết bị cơ khí như điều hòa hay đèn chiếu sáng nhân tạo.
Mỗi phòng chức năng – từ phòng khách, khu vực bếp, phòng ngủ, đến cả WC – đều tiếp xúc trực tiếp với không gian mở, đảm bảo thông thoáng liên tục. Hệ thống cây xanh được tích hợp xuyên suốt cả bên trong và bên ngoài ngôi nhà. Phần mái che ở sân trước được thiết kế bằng tầm vông, hài hòa bởi ngôn ngữ kiến trúc chung, có tác dụng làm giảm nhiệt hướng Tây, giúp hình thành 1 khoảng đệm nhiệt trước nhà. Tổng thể bố trí tạo 1 vi khí hậu dễ chịu, phù hợp với sức khỏe của người lớn tuổi.
Cách tổ chức không gian này mang tới 1 góc nhìn khá mới mẻ về kiến trúc với người dân trong khu vực, gây tò mò, tìm hiểu và mở ra mong muốn ứng dụng trong ngôi nhà của họ.

Thiết kế của Noah’s Nest là câu chuyện về sự hồi sinh của những vật liệu quen thuộc, gắn liền với đời sống nông nghiệp: tấm bồ lúa (cót tre – dùng để dự trữ lúa trước đây), tre, tầm vông, gạch thô, gỗ tái chế… Những hình ảnh gắn liền với hình ảnh Nam Bộ xưa như sàn rửa bên sông, cối đá giã gạo truyền thống được tái hiện. Các vật liệu, hình ảnh này, kết hợp với thiết kế kiến trúc đương đại, vừa phản ánh quá khứ của vùng đất, đồng thời đóng vai trò là cầu nối thế hệ, gắn kết giữa cha và con trai, thể hiện tinh thần văn hóa địa phương và giá trị gia đình phương Đông trong từng góc nhỏ của ngôi nhà.

Trong quá trình xây dựng, kỹ sư từ công ty đã hướng dẫn công nhân địa phương điều chỉnh các kỹ thuật xây dựng cho phù hợp với điều kiện sẵn có trong khi vẫn duy trì tính toàn vẹn về mặt thẩm mỹ và cấu trúc. Bằng cách ưu tiên sử dụng tài nguyên tại chỗ và vật liệu thân thiện với môi trường, Noah’s Nest giảm được chi phí vận chuyển, nhân công, giảm phát thải carbon, tiết kiệm được chi phí hơn so với các ngôi nhà cùng diện tích khác, hướng đến phát triển kiến trúc bền vững. Ngoài ra công trình cũng đóng góp một phần nhỏ cho nền kinh tế địa phương.
Triết lý kiến trúc của Noah’s Nest xoay quanh ý niệm về một “ngôi nhà đang sống” – một tổ ấm luôn tiến hóa và cần được chăm sóc. Những bức tường và cửa sổ còn dang dở tượng trưng cho quá trình xây dựng chưa dừng lại, nhắc nhở rằng tổ ấm cần sự chăm sóc và phát triển từ tất cả các thành viên trong gia đình. Mỗi thành viên như 1 chú chim, luôn cần mẫn tha rơm về xây tổ.
ARCHIRO VIỆT NAM mong muốn rằng, Noah’s Nest không chỉ là nơi để người cha nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng mà còn là không gian giúp người con trai trở về, tìm lại sự thanh thản tâm hồn và khơi dậy sự sáng tạo. Ngôi nhà, với những vật liệu quen thuộc từ tuổi thơ và văn hóa bản địa, sẽ giúp anh thoát khỏi những vai diễn nặng nề, kết nối với bản ngã tin khiết nhất của con người mình, bình tâm và hướng tới những sản phẩm nghệ thuật độc đáo mới