Nhà Trên Cây | H2
THÔNG TIN DỰ ÁN:
- Tên công trình: Nhà Trên Cây
- Đơn vị thiết kế: H2
- Kiến trúc sư chủ trì: Trần Văn Huynh
- Địa điểm xây dựng: Huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
- Diện tích: 120 m2
- Năm thiết kế: 2018
- Năm hoàn thành: 2023
- Nguồn ảnh: Dũng Huỳnh
CONCEPT CÔNG TRÌNH:
“Đã hơn 70 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ như in ngày ấy, mỗi độ hè về, trời nóng nực, lũ trẻ chúng tôi lại tụm năm tụm ba dưới tán cây cổ thụ rồi cùng nhau dựng 1 cái lều nhỏ. Chúng tôi gọi đó là “Nhà” để tránh nắng và cũng là để vui chơi. Đứa thì chặt cây, đứa thì đốn lá để dựng lều rồi trang trí sao cho thật đẹp, thật bắt mắt. Sau khi hoàn thành xong căn “Nhà”, chúng tôi đi tìm vật dụng để định cư trong căn chòi lá ấy. Căn chòi lá là tuổi thơ cũng là nơi chúng tôi được trải nghiệm những trò chơi thú vị, nghe những câu chuyện kể mà nay vẫn thấy như tất cả chỉ mới diễn ra ngày hôm qua. Trò chơi nhà chòi mộc mạc giản đơn nhưng đã nuôi lớn tâm hồn bé dại chúng tôi nơi vùng quê nghèo ngày ấy.”
Đó là câu chuyện tâm sự mà người đàn ông lớn tuổi trong gia đình đã dành thời gian để chia sẻ với văn phòng thiết kế trong chuyến đầu tiên chúng tôi tiếp cận với dự án. Ông mong muốn rằng những đứa cháu của mình được lớn lên và trải nghiệm một tuổi thơ tuyệt vời như ông đã từng có trước đây. Từ mong muốn đó “TREE HOUSE BY THE LAKE” đã được hình thành dưới những tán cây của một khu rừng Xà Cừ lâu năm với mặt nước và khung cảnh tuyệt đẹp tại một vùng quê yên bình.
GIẢI PHÁP THIẾT KẾ:
Công trình được văn phòng thiết kế hoàn thiện phần nhiều bằng vật liệu “phế liệu” tại địa phương với mong muốn giảm thiểu chi phí cũng như tác động tới cảnh vật và thiên nhiên hiện hữu.
Như các bạn cũng biết, để con người chúng ta có cuộc sống tiện nghi và phát triển như ngày hôm nay chúng ta cũng đã phải đánh đổi rất nhiều từ những thứ gần nhất như thiên nhiên và môi trường sống, sau đó là sức khỏe và sự gắn kết cộng đồng. Hiểu được điều đó người ông mong muốn mang lại sự trải nghiệm, kết nối, vui chơi, học hỏi,… cho những đứa cháu thân yêu của mình dưới những tán cây Xà Cừ lâu năm, để chúng được lớn lên trong tình yêu và sự bao bọc của thiên nhiên, cây cỏ.
Chính vì những mong muốn đó và quá trình khảo sát dự án, văn phòng thiết kế muốn giữ lại vẻ yên bình vốn có của vùng quê này. Không phải một công trình đồ sộ to lớn được làm từ bê tông cốt thép mà thay vào đó là 1 công trình hòa mình với thiên nhiên. Từ đó mà văn phòng thiết kế tìm đến với vật liệu cũ hay còn được gọi là “phế liệu” chúng được tháo dỡ từ những công trình cũ được văn phòng thiết kế xin hoặc thu mua với giá rẻ từ xung quanh địa điểm xây dựng, với mong muốn khi công trình được xây dựng sẽ không làm tác động quá nhiều tới bối cảnh hiện hữu.
“Phế liệu” là tên gọi của vật liệu đã hết tuổi đời sử dụng được thu gom tập kết để tái chế như nung chảy để tạo ra sản phẩm khác hoặc không may mắn hơn là được vứt bỏ ra môi trường. Dù phương án có là gì thì nó cũng sẽ làm ảnh hưởng tới môi trường và con người chúng ta. Vì vậy thay cho việc phát thải ra môi trường, chúng đã được văn phòng thiết kế hồi sinh ở một diện mạo ít gây tác động tới môi trường nhất. Đó là tái sử dụng khi chúng vẫn còn có ích.
- Công trình hòa mình với thiên nhiên từ việc sử dụng vật liệu cho tới giải pháp kiến trúc.
- Không gian cởi mở giúp con người gần với thiên nhiên, thiên nhiên gần con người và con người gần với con người.
Với cây cối, mặt nước và câu chuyện kể về căn “Nhà” chòi thời thơ ấu của người Ông, văn phòng thiết kế liên tưởng tới một ngôi nhà nương tựa vào thiên nhiên cây cối, đón chào những luồng gió mát từ mặt hồ và tận hưởng sự yên bình nơi thôn quê.
Đúng như cái tên gọi “TREE HOUSE BY THE LAKE” công trình được văn phòng thiết kế đưa lên khỏi mặt đất, nương tựa vào những gốc cây Xà Cừ lớn, từ việc sử dụng những vật liệu “phế liệu” cũ làm cho công trình như đã hiện hữu ở đó từ rất lâu rồi.
Với mong muốn công trình không làm tác động tới cảnh vật và thiên nhiên của khu rừng, cũng đồng thời tái hiện câu chuyện về Nhà chòi của người ông muốn dành cho các cháu mình. Công trình mang trong mình vẻ ngoài mộc mạc, bình dị của vật liệu cũ, cùng với đó là nội thất và tất cả mọi thứ trong nhà đều rất đơn giản và nhẹ nhàng, để nhường chỗ cho ánh nắng, gió và tán cây chơi đùa. Từ ngày được sinh sống trong căn nhà mới, những đứa nhỏ tỏ ra rất thích thú, chúng như cá gặp nước, chúng như có cơ hội để khơi dậy bản năng khám phá, tìm tòi, học hỏi, chơi đùa,…vốn có trong mình. Chúng có thể thỏa thích chạy nhảy, leo trèo hay thậm chí là nằm, bò, trườn theo ý thích của chúng.
Nếu mỗi chúng ta đều biết “tận dụng” hay “tái sử dụng” những thứ được coi là “phế liệu” để chúng có thể quay trở lại với 1 vòng đời ít gây tác động tới môi trường nhất thì mô hình chung đã góp phần vào việc bảo vệ môi trường cho chính chúng ta.
Công trình mang trong mình vẻ ngoài bình dị, xưa cũ của màu vật liệu đã nhuốm thời gian. Nhưng đồng thời vẫn giữ được những nét cần có của một công trình, đó là sự tiện nghi, sự riêng tư cần thiết, sự linh hoạt và cả sự mời gọi.
Các yếu tố thiên nhiên nắng gió, cây cỏ được văn phòng thiết kế khéo léo đưa vào từng không gian nội thất, nhằm mang lại hiệu quả thẩm mỹ, lại đảm bảo cả chất lượng ánh sáng, nhiệt độ, không khí phù hợp nhu cầu sinh hoạt của gia đình.
Nhưng điều quan trọng là tổng thể công trình và các không gian hài hòa ăn nhập với bối cảnh hiện hữu, mang lại khả năng tương tác và kết nối giữa con người với – con người, con người với – thiên nhiên, mang lại sự trải nghiệm, sự yêu đời. Đồng thời, đó cũng là cách chúng ta đang giáo dục thế hệ trẻ biết được người mẹ thiên nhiên luôn mang tới cho chúng ta những điều tuyệt vời nhất. Từ đó con người chúng ta thêm yêu, muốn gìn giữ và bảo vệ thiên nhiên hơn.
- Thực hiện chiến dịch 3R vì môi trường phát triển bền vững
- Tái sử dụng vật liệu
- Phá dỡ
- Sáng tạo
CÔNG NĂNG NỔI BẬT:
Công trình xây dựng lên như một cái nhà chòi (nhà trên cây), được đưa lên cao khỏi mặt đất và nương tựa vào những thân cây to dưới sự bao bọc của bóng mát khu rừng Xà Cừ, đón gió mát từ mặt hồ. Điều này giúp cho công trình luôn thông thoáng và mát mẻ hơn so với bên ngoài. Từ đó mà công trình không cần dùng đến các thiết bị làm mát như điều hòa không khí, và các thiết bị hiện đại khác, mô hình chung đã giúp làm giảm thiểu chi phí và giúp bảo vệ môi trường được tốt hơn.
Với việc xây dựng công trình từ kết cấu thép, tôn “phế liệu” như vậy công trình có thể được di dời từ nơi này tới nơi khác rất linh hoạt mà không làm ảnh hưởng tới môi trường tự nhiên, hoặc khi tuổi đời của chúng đã hết chúng sẽ được tháo dỡ để quay trở lại vòng lặp của “phế liệu” và được tái sử dụng ở một mục đích khác, đồng thời sẽ trả lại vẻ bình yên vốn có của khu đất như khi công trình chưa hiện hữu.
Với việc làm mới “phế liệu” theo cách tái sử dụng chúng một cách ít gây tác động tới môi trường nhất, đã mang lại diện mạo và sức sống mới cho chúng. Từ đó văn phòng thiết kế muốn lan tỏa điều tốt đẹp này đến với tất cả mọi người, để hi vọng một ngày không xa môi trường sống của chúng ta sẽ được cải thiện tốt hơn.