THÔNG TIN DỰ ÁN:
- Tên công trình: Nhà Tổ chim
- Đơn vị thiết kế: atelier NgNg
- Kiến trúc sư: Ngô Quốc Dũng, Nguyễn Yến Phi
- Cộng sự: Đỗ Văn Dũng (metal technician), Ngô Việt Hùng (construction consultant)
- Địa điểm: Quan 3, TP. Hồ Chí Minh
- Diện tích xây dựng: 192 m2
- Năm hoàn thiện: 2020
- Hình ảnh: Quangdam
Như nhiều nhà ống khác ở Sài Gòn, Nhà Tổ Chim được xây dựng trên một mảnh đất nhỏ hẹp (4x12m) trong một khu dân cư đông đúc. Điều khó khăn nữa là ngôi nhà chỉ có một mặt thoáng, lại hướng về phía Tây. Khi tìm tới NgNg, mong muốn lớn nhất của chủ nhà, vốn là một người phụ nữ đam mê cây cảnh, là có được không gian thoáng đãng, thư giãn sau một ngày làm việc mệt mỏi, có nhiều mảng xanh để thoả mãn sở thích chăm sóc vườn tược như những ngày tháng còn sống ở quê nhà.
Để giải quyết những hạn chế về diện tích và vị trí đất cũng như tạo điều kiện cho thông thoáng và ánh sáng tự nhiên, chúng tôi quyết định thiết kế căn nhà không có tường ngăn, chỉ dùng những “mảng xanh” và “khoảng trống” để phân chia không gian.
Trong nhà có ba khoảng trống lớn: hai khoảng vườn trước và sau nhà, xuyên suốt toàn bộ ba tầng, để phân cách đường xe qua lại và không gian sống; một giếng trời ở chính giữa, xuyên suốt hai tầng trên, để phân cách không gian làm việc và nghỉ ngơi, vườn tược và nơi thờ cúng. Những khoảng vườn nhỏ được sử dụng ngăn chia các không gian chức năng ở mỗi tầng: bên trong và bên ngoài nhà; nhà vệ sinh và phòng ngủ hay phòng bếp; phòng ngủ và cầu thang. Giải pháp này tạo nên những không gian nối tiếp không đứt gãy, đồng thời mọi không gian chức năng đều được tiếp xúc với thiên nhiên.
Những vật liệu được sử dụng là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, gợi nhớ tới những không gian ở các làng quê Việt Nam: tre, gỗ kết hợp với kính, sắt. Tre là vật liệu tự nhiên vốn dồi dào ở địa phương, vừa thân thiện với môi trường, vừa giúp giảm chi phí xây dựng. Lớp màn tre chạy dọc mặt tiền, đóng vai trò chống nắng gắt từ phía Tây, tạo sự riêng tư cho ngôi nhà nhưng vẫn đảm bảo thông thoáng, gợi nhớ tới những “tấm liếp” trong các công trình kiến trúc truyền thống. Tấm màn tre này tiếp tục cuộn lên thành mái nhà để che nắng cho sân thượng.
Những vách ngăn bằng sắt cắt hình chiếc lá có vai trò lấy sáng và đối lưu không khí, cũng là cách điệu của những tấm bình phong. Vật liệu này cũng được sử dụng làm vòm che nắng trên các ban công và cổng vào. Tất cả tạo nên cảm giác về một không gian mở và kết nối. Trần tre ở giếng trời sân sau, ngay trên cầu thang, được làm từ những thanh tre treo dọc, vừa che nắng vừa để ánh sáng lọt qua, không những tạo nên những bóng nắng thú vị mà khi có gió thổi qua còn tạo nên những tiếng vui tai như những chiếc chuông gió được treo trong vườn nhà.
Sắt tấm mỏng được sử dụng cho những thành phần kiến trúc vốn thường được xây dựng bằng bê tông như cầu thang, bồn cây, ban công, vòm che nắng để giảm nhẹ trọng lượng kết cấu công trình. Hơn thế, toàn bộ căn nhà có cảm giác nhẹ nhàng, như thể đang trôi trong một không gian xanh rộng lớn và tràn ngập ánh sáng. Đến chiều tà, khi trời tắt nắng, ánh sáng từ trong ngôi nhà hắt qua các khe giữa những thân tre và những chiếc lá trên những vách ngăn sắt khiến ngôi nhà trông như chiếc đèn lồng giữa khu phố.