Nhà Thảo Tiên
THÔNG TIN DỰ ÁN:
- Tên công trình: Nhà Thảo Tiên
- Địa điểm: Long Biên, Hà Nội
- Tổng diện tích sàn: 245 m²
- Đơn vị thiết kế : T-architects
- Kiến trúc sư chủ trì : Lê Hoàng Tôn
- Nhóm thiết kế: Nguyễn Trung Kiên, Nguyễn Hoan, A Phi, Hồ Minh Trí, Lê Quốc Hùng, Ngô Tần
- Năm hoàn thành: 2022
- Ảnh chụp: Ant.photo
Công trình được xây dựng trên khu đất có diện tích 72m² với kích thước 6x12m. Yêu cầu quan trọng hàng đầu của gia chủ là ngôi nhà cần có sự riêng tư, kín đáo nhưng đồng thời cũng tràn đầy ánh sáng tự nhiên và thông thoáng.
Với ý tưởng tạo ra điểm nhấn độc đáo trên bề mặt công trình, kiến trúc sư sử dụng gạch thông gió vuông kích thước 190×190 đan xen với gạch kính nhiều màu sắc. Lớp vỏ công trình giống như một “lăng kính”, qua đó ánh sáng tràn vào nội thất ngôi nhà với những sắc thái đa dạng. Nó giống như lớp “bọt nước” khúc xạ ánh sáng, đặc điểm này đã tạo nên một mặt vỏ độc đáo.
“Phía trước ngôi nhà có một cây khế, chúng tôi muốn có bóng mát của cây và màu xanh của những tán lá. Mọi sinh hoạt trong gia đình đều có thể nhìn thấy cây khế qua hệ vỏ ngoại thất. Cây khế ấy như một phần của ngôi nhà” – Nhóm thiết kế.
Chủ nhà rất quan tâm về công năng của ngôi nhà mới. Toàn bộ tầng 1 sẽ là khu vực garage và phòng kho, không gian sinh hoạt sẽ được chuyển lên các tầng phía trên. Để tránh ảnh hưởng tới việc đi lại trong gia đình, lối đi vào nhà được tách làm 2 hệ cửa riêng biệt, một cửa cho lối đi bộ chính lên thẳng tầng 2, cửa còn lại dành cho xe ô tô ra vào.
Tại tầng 2, không gian sinh hoạt chung gồm có phòng khách và khu vực bếp trải dài toàn bộ diện tích. Nhóm thiết kế muốn tận dụng 2 hướng sáng phía trước và phía sau công trình để đưa toàn bộ ánh sáng và thông gió cho khu vực sử dụng chung này.
Khu vực dưới gầm cầu thang được thiết kế trở thành không gian vui chơi, đọc sách, truyện cho bé Thảo Tiên.
Tính kết nối không gian tiếp tục được áp dụng cho tầng 3, nơi đặt các phòng ngủ. Hai phòng ngủ được thiết kế với cửa vào riêng biệt, nhưng không xây tường ngăn ở giữa. “Hãy tưởng tượng rằng hai phòng như là một tại thời điểm hiện tại, và riêng biệt trong tương lai” – Nhóm thiết kế.
Ở mặt sau ngôi nhà, có một khoảng thông tầng cho tầng 3 và 4, cũng là nơi chủ nhà trồng các loại cây, để biến khu vực này trở thành một không gian xanh xen kẽ giữa phòng ngủ và phòng vệ sinh. Với ý tưởng này, nhóm thiết kế đã đưa tới một khoảng thông tầng nhỏ nhưng hiệu quả trong việc kết nối theo chiều ngang và dọc của công trình.