Nhà phễu | AHL Architects
THÔNG TIN DỰ ÁN:
- Tên công trình: Nhà Phễu
- Vị trí: Tô Ngọc Vân, Tây Hồ, Hà Nội
- Diện tích: 240m2
- Chức năng: Nhà ở cho thuê
- Vật liệu: Bê tông, gỗ, thép
- Kiến trúc sư: Hưng Đào, Sỹ Tuấn
- Kỹ sư: Vũ Văn Cường
- Giám sát: Sỹ Tuấn
- Nhà Thầu: Nguyễn Như Vẽ, Phạm Công Sáu (Gialong), Lưu Huy (Vietbeton), Nguyễn Trang
- Năm thực hiện: 2017
- Ảnh: HoangLe Photography
Một ngôi nhà nằm trong ngõ của khu Hồ Tây với hình thức phảng phất nét công trình châu Á nhưng lại phá cách trong không gian, một sự kết hợp của Đông – Tây, khiêm nhường xen lẫn nét tự tin trên nền đất cổ đang chuyển mình trong dòng chảy thời đại.
Đặt trên nền đất cổ xưa của vùng Đoài Hồ , ngôi nhà là một phần đất của một gia đình ngụ cư đã lâu. Những khoảnh sân cần được giữ, cây lâu năm cần bảo vệ, yêu cầu quản lý quy hoạch là những dữ liệu để dẫn tới nhiệm vụ thiết kế: tạo khoảng lùi cần thiêt cho công trình với chức năng ở. Tiếp cận của KTS tới công trình dường như đang muốn cố tìm kiếm sự giao hòa giữa những giá trị của kiến trúc dân gian và kiến trúc hiện đại. Bằng một khoảng lùi cần thiết kết hợp vật liệu mộc, màu sắc sẫm khiến cho công trình có một sự hiển thị khiêm nhường ngay từ cái nhìn ban đầu. Đồng thời khối nhà phía sau được dìm bằng một lớp đá đen vừa hay để trở thành phần nền cho khối nhà thấp phía trước, đủ để tôn lẫn nhau trong một tổng thể hài hòa.
Vẫn hàng hiên trước nhà, mái ngói đã với những rui, mè, hoành cùng với độ dốc mái phù hợp gợi về thức nhà cổ châu Á. Hệ cửa thoạt nhìn giống cửa bức bàn nhưng có sự khác biệt từ cách bố trí số cửa giữa cột ( 2 thay vì 4) , cách KTS sử dụng song gỗ thay vì là các tấm pano nhằm tạo ra độ xuyên thấu cho lớp cửa, chi tiết này cũng khiến ta liên tưởng tới việc sử dụng song gỗ trên các mẫu cửa gỗ Teak của Studio MK27. Chi tiết cửa đi đặt bên cạnh phần bậu cửa gỗ bên cạnh nhấn mạnh tuyến giao thông chính, nhưng đồng thời cũng cho ta thấy yếu tố công năng tham gia khiến việc ứng dụng bậu cửa gỗ phải được điều chỉnh ? Một bậc đá tự nhiên cùng với sử dụng một thanh gỗ mộc dài ngầm chắn ngang ngầm định hướng lối vào cho căn nhà. Bậc đá tự nhiên kết hợp khéo với cột sắt ( một chi tiết khiến người xem đặt câu hỏi đây có phải là một thành phần kết cấu đỡ hoành gỗ phía trên, hay là KTS đặt sự tinh tế ngay thềm vào giúp người dùng khỏi ngã trên bậc chuyển tiếp ?)
Chi tiết thềm xi măng mài tách khỏi nền đá cubic đem lại một cảm xúc thẩm mỹ giữa thô mộc và nhẵn nhụi, đồng thời cũng là một vùng chuyển chất liệu từ nền đá thô qua nền xi măng mài lên lớp nan gỗ xuyên thấu vào không gian bên trong. Tuy vậy việc tách này cũng gợi tới chi tiết hàng hiên của nhà gỗ Nhật bản, liệu đây có phải là sự cố tình của KTS ? Tình cờ chi tiết chụp hình với một cô gái mặc đồ đen, đi tất cộc cũng thể hiện sự liên quan tới đất nước Phù Tang trong concept thiết kế của công trình? Phá cách của công trình là một không gian mái hình phễu nằm sau lớp cửa gỗ , lớp cửa gỗ và phần hiên trước kết hợp mái cùng với độ dốc của phễu , độ mở của mái vừa đủ tạo ra một bóng râm khéo làm nền cho luồng sáng giữa trở thành nguồn sáng chính cho không gian phòng khách.Có lẽ sẽ có 1 câu hỏi vệ hiệu quả của 5 ô cửa sổ phía trên mái hiên trước về vai trò cấp sáng cho phần mái phễu ? Liệu có cần phải có thêm một nguồn sáng nhấn vào phần dốc không khi mà ánh sáng có thể xuyên qua lớp cửa gỗ đóng góp vào vùng dốc sát với hệ cửa ?
Khối kính bao bọc phần thông tầng giữa với sắp đặt là một cây bàng Đài loan tán rất gợi về Phom với phần phễu, một khuôn vườn nhỏ có chất Zen giữa nhà, đồng thời đây cũng là yếu tố phân chia không gian trong toàn bộ chức năng tầng 1. Vị trí lệch của Phễu trên mặt bằng phân chia lối đi chính tới thang, kiến tạo phần không gian phòng khách và phần bàn ăn xung quanh 4 mặt kính. Khối mái phễu được tách khỏi khối nhà sau bởi một khe sáng lớn ( có thể do yêu cầu của kết cấu nhà cần tách ?) cũng giúp gia tăng thêm nguồn sáng cho không gian tầng một , đặc biệt cho phần phòng chức năng ngay sát. Dường như chi tiết Phễu cũng được KTS khai thác như một trải nghiệm “cảm giác mạnh” cho các phòng chức năng phía trên khi liên tục có các ban công conson bay xa treo phía trên ở các góc độ khác nhau.Về chức năng của ngôi nhà là để ở nhưng với việc đặt trong một khu Làng Tây ( chuyên cho Tây thuê) thì có thể hiểu được ý đồ của KTS trong việc chơi không gian, ánh sáng hay thủ pháp khối tích nhằm tạo sự “shock” phục vụ mục tiêu bán hàng cho người nước ngoài có nhu cầu thuê nhà ? Việc sinh hoạt trong công trình có thể trở thành một hành trình khám phá theo mùa, tạo sự bất ngờ cho những vị khách tới chơi và như vậy là thành công trong ý đồ ?
Toàn bộ khối phía sau công trình là thuần túy phòng ngủ cùng chức năng cho một gia đình, việc bố trí chức năng chuẩn kết hợp sử dụng chi tiết đem đến một chất sạch đã định hình phong cách cho văn phòng AHL.Duy có một số chi tiết nội thất: “đồ gỗ kết hợp với mây đan” vốn ít khi sử dụng ở đất Bắc lại được khai thác trong công trình lại đem tới xúc cảm lạ và hơi lạc phong cách thường thấy ở 1 văn phòng vốn mang chất mạnh, nét và sạch ở Hà Nội. Công trình là một thử nghiệm táo bạo về không gian trong loạt thiết kế gần đây của AHL. Cố gắng kết hợp chất liệu , phối hợp các phong cách có thể gây tranh cãi nhưng sự chuẩn chỉ, chất lượng hoàn thiện, quan tâm chi tiết cùng với sự tìm tòi trong hướng đi khai thác chất liệu dân gian có thể sẽ mở ra một vùng đất sáng tạo mới cho văn phòng ?