- Tên công trình: Nhà hàng KIMONO
- Địa chỉ: Số 52A-54 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, Việt Nam
- Diện tích xây dựng (m2): 600 m2
- Đơn vị thiết kế: NH Village Architects
- Team thiết kế kiến trúc: Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Phương Hiếu, Hoàng Trung Hiếu, Đỗ Minh Dương, Trần Văn Thiện
- Năm hoàn thành: 2024
- Nhiếp ảnh: Hiroyuki Oki
Tọa lạc tại trung tâm Hà Nội, Nhà hàng KIMONO sở hữu mặt tiền độc đáo, như một “khu vườn ánh sáng” lập thể 3 chiều kết nối 3 tầng với nhau. Không gian sau khi được cải tạo vừa hiện đại vừa mang hơi thở của làng nghề truyền thống Việt Nam nhờ các vật liệu tự nhiên như thủy tinh, mây tre đan,…

Mặt tiền độc đáo được phủ bởi các tấm thép có bề mặt khắc tạo độ rỗng và xốp cho mặt đứng, cộng hưởng với các đường nét nội thất bên trong hình thành một thể thống nhất. Đồng thời kết nối không gian bên trong với hàng cây phượng cổ kính trên đường Lý Thường Kiệt.


Ý tưởng thiết kế chủ đạo là tạo ra một không gian trục giao thông như một “vườn ánh sáng” lập thể 3 chiều kết nối các tầng với nhau. Các không gian trong nhà hàng được bố trí xoay quanh trục lõi sáng này giúp thực khách vừa như đi dạo trong một khu vườn vừa như đang đi trong một không gian không giới hạn, mỗi không gian và vị trí trong nhà hàng là một trải nghiệm khác biệt.


Phần lõi trung tâm của nhà hàng được hình thành từ các cột bê tông kết cấu hiện trạng, tái định hình thành những khối đa diện mang tính lập thể, bao bọc bởi chất liệu đồng thủ công. Chất liệu này là kết tinh từ tay nghề tinh xảo của những nghệ nhân làng nghề, với bề mặt được xử lý hỏa biến để tạo nên các hoa văn tự nhiên độc đáo, đồng thời có khả năng phản xạ ánh sáng một cách tinh tế. Hệ thống chiếu sáng được bố trí khéo léo, làm nổi bật hiệu ứng chuyển động ánh sáng trên các mặt đa diện, biến phần lõi thành một “khu vườn ánh sáng” rực rỡ giữa không gian nhà hàng. Khu vực này không chỉ gây ấn tượng từ bên trong mà còn tạo sức hút đặc biệt khi nhìn từ mặt tiền bên ngoài.

Mục tiêu cải tạo là tập trung vào tầng 1 đến tầng 3 của nhà hàng đã được vận hành lâu năm – vốn mang ấn tượng của Nhật Bản truyền thống thành một không gian hiện đại mang đến một trải nghiệm hoàn toàn mới.
Bên cạnh các vật liệu tự nhiên như gỗ và đá slate, các vật liệu hoàn thiện khác đến từ các làng nghề ở Việt Nam là đồng, thủy tinh, mây, tre. Từng loại vật liệu là sự đầu tư kỳ công của những người nghệ nhân ở mỗi làng nghề khác nhau, tạo nên sự đa dạng, độc đáo cho công trình.





Phòng ăn riêng tại tầng 1 và tầng 2 được bao bọc bởi bề mặt kính xử lý hoa văn nhám, tạo hiệu ứng xuyên sáng độc đáo. Thiết kế này đảm bảo sự riêng tư cho thực khách mà vẫn duy trì kết nối tinh tế với ánh sáng và không gian bên ngoài.


Phòng ăn sảnh tầng 1 được bao quanh bởi hệ mái vòm và vách mây, mang đến cảm giác ngăn cách nhẹ nhàng, mờ ảo nhưng không hề khép kín. Sự kết hợp vật liệu tinh tế giữa tre, kính và mây không chỉ tạo nên một không gian gần gũi, riêng tư, mà còn hòa quyện với “khu vườn ánh sáng” bao quanh, mang đến trải nghiệm ẩm thực trọn vẹn cả về thị giác lẫn cảm xúc.


Trong khi đó, không gian ăn chung tại tầng 3 mang tính linh hoạt cao, có thể tổ chức các sự kiện lớn dưới mái vòm tre đan mềm mại, tạo điểm nhấn kiến trúc tự nhiên và ấm cúng. Ánh sáng từ vòm tre đan không chỉ tạo chiều sâu mà còn mở ra không gian ngăn ước lệ cho thực khách, mang lại cảm giác vừa riêng tư nhưng vẫn kết nối được với xung quanh.
Bằng sự sáng tạo và tôn vinh giá trị thủ công truyền thống của các làng nghề Việt Nam, công trình không chỉ phản ánh phong cách thiết kế hiện đại mà còn lưu giữ được cốt lõi văn hóa dân tộc dân tộc. Từ đó mang đến không gian thưởng thức ẩm thực và trải nghiệm trải nghiệm thẩm mỹ độc đáo cho thực khách.