Bao Huynh WaterColor Atelier | Chong Chóng Architure

THÔNG TIN VỀ CÔNG TRÌNH
  • Địa điểm: Cửa Đại, Hội An, Quảng Nam
  • Đơn vị thiết kế: Chong Chóng Architure
  • KTS chủ trì: Nguyễn Văn Chương
  • Team thiết kế kiến trúc – nội thất: Ái Trân, Văn Trọng, Bùi Cường, Việt Hoàng, Trường Thành
  • Đơn vị thiết kế – thi công cảnh quan: Minh Trí
  • Kết cấu và Cơ điện: Minh Lam
  • Vật liệu sử dụng: Bê tông mài, Trần bê tông , Terrazzo, Gỗ tự nhiên, gạch không nung, Mái ngói.
  • Nhà cung cấp sản phẩm: ROLAN, ZENTO, ANFACO, INAX
  • Năm hoàn thành: 2023
  • Diện tích: 161m2
  • Photographer: SuKha_Studio

Sâu trong con hẻm giữa làng chài ven biển Cửa Đại nơi vừa có sự ra đời của một nơi chốn đầy xúc cảm. Một ngôi nhà, một xưởng vẽ của người hoạ sĩ trẻ với không gian động và tĩnh đan xen nhau. Nép mình giữa những nếp gấp chồng chéo của khu dân cư đông đúc thiếu vắng mảng xanh, ngôi nhà 161 m2 như mọc ra những bụi cây xanh rì từ ban công và cửa sổ, bí ẩn nhưng lại rất sống động. Không chỉ đơn thuần là nơi cư trú, đây còn là một tác phẩm nghệ thuật bình yên và cũng đầy bất ngờ.


Công trình là tổ hợp không gian ở của gia đình kết hợp với xưởng vẽ của chủ nhà – một họa sĩ trẻ. Gia đình có thành viên đã ở độ tuổi nghỉ ngơi, vậy nên sự trẻ trung cũng được tiết chế cho phù hợp. Qua trao đổi với kiến trúc sư trong những ngày đầu hình thành ý tưởng cho ngôi nhà, anh Bảo (chủ nhà) đã chia sẻ: “Anh mong nhất được có một không gian sống nhẹ nhàng, bình yên cho ba mẹ khi tuổi già về. Ngoài ra cũng vừa là không gian tĩnh lặng, yên bình ở quê để theo đuổi đam mê hội họa của mình”.

Với kinh phí thi công không quá lớn, việc sử dụng vật liệu phải được nghiên cứu và tính toán kỹ lưỡng. Qua đó, nhóm thiết kế đã đi đến ý tưởng sử dụng vật liệu có sẵn tại địa phương. Kiến trúc của ngôi nhà thấp thoáng phong cách hiện đại những năm 1960, toát lên vẻ quyến rũ mà không cần đến những tác động dư thừa. Ngoài ra, chủ nhà cũng mong muốn tất cả không gian đều phải có sự linh hoạt và đa năng kể cả trong kiến trúc hay là nội thất.

Đối với người hoạ sĩ, ánh sáng, nhiệt độ, cảm xúc, tinh thần là chất xúc tác quan trọng để tạo nên chất cảm trong từng tác phẩm nghệ thuật. Với một kiến trúc sư hay nhà thiết kế nội thất, liệu nghệ thuật, cảm xúc và những yếu tố vô hình có đủ là chất xúc tác, hay cần nhiều hơn những thông tin đầu vào để tạo nên một “tác phẩm” mang vẻ đẹp của sự kết hợp giữa lý tính và cảm tính. Tôi nghĩ mỗi kiến trúc sư, nhà thiết kế sẽ có cho mình câu trả lời khác nhau nhưng tất cả đều hướng về mục đích cuối cùng: tạo ra một nơi chốn cho cả thể xác và tâm hồn của ai đó, một nơi của riêng họ và một nơi để họ trở thành một phần của những thứ lớn lao hơn.

Điểm nhấn của ngôi nhà là xưởng vẽ ở tầng hai. Đây là không gian đa năng nơi anh Bảo thực hành hội họa, dạy vẽ, tổ chức triển lãm, đọc sách và đôi khi sẽ trở thành nơi vui chơi của các bạn nhỏ trong xóm. Tất cả đồ nội thất trong không gian này được thay đổi một cách linh hoạt, nhanh chóng để đáp ứng được các nhu cầu trên. Ánh sáng tự nhiên tràn ngập, kết hợp với màu sắc của các bức tranh tạo nên một không gian đầy cảm hứng.

Không gian vẽ của anh họa sĩ được kết nối một cách đầy tinh tế với ba khu vực khác nhau, tạo nên một sự hòa quyện hoàn hảo giữa chức năng và cảm xúc. Đầu tiên là phòng ngủ, được nối với không gian vẽ qua một cánh cửa ẩn mình khéo léo trong kệ sách, gần như trở nên vô hình, mang đến sự riêng tư tuyệt đối cho không gian nghỉ ngơi của anh. Tiếp đó, không gian vẽ mở ra một cách tự nhiên và liền mạch với khu vườn phía trước, nơi lớp rèm xanh mướt không chỉ che chắn ánh sáng mặt trời gay gắt từ hướng Tây mà còn hoạt động như một máy lọc không khí tự nhiên. Khu vườn không chỉ giúp không khí bên trong luôn trong lành mà còn giảm tiếng ồn và tạo ra một lớp màn bảo vệ kín đáo cho ngôi nhà, từ đó mang lại cảm giác thư giãn, thoải mái và kích thích sáng tạo cho anh họa sĩ và các bạn học vẽ. Cuối cùng, phòng kho được kết nối một cách khéo léo thông qua cầu thang tinh tế, giúp duy trì sự gọn gàng và tiện nghi trong không gian làm việc, đồng thời cũng thể hiện sự chú trọng đến từng chi tiết trong thiết kế của ngôi nhà.
Không gian chung ở tầng trệt: Đây là một không gian có tính kết nối cao giữa các thành viên trong gia đình, bạn bè, thầy trò. Không gian là một sự kết nối giữa Phòng khách và Phòng bếp có tính linh hoạt cao, các vật dụng nội thất: bếp đảo, bàn ăn có thể mở rộng hoặc di chuyển cho phù hợp với mục đích sử dụng khác nhau.

Kế tiếp là phòng ngủ bố mẹ với vật liệu và bố trí tối giản. điểm chú ý về vật liệu sàn được sử dụng bằng sàn tre thân thiện với con người và môi trường. Bao quanh phòng ngủ là các khoản lùi vào, chúng tôi tạo nên các mảnh cây xanh giúp cho 2 bác có thêm không gian thư giản. Phía trước phòng ngủ là một hiên nhà và vườn rau.

Đối diện với những điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở miền Trung, đặc biệt là nắng nóng mùa hè, gió Lào, mưa bão vào mùa Đông và các cơn bão lũ vào tháng 10 – 11 hàng năm, việc thiết kế công trình phải đáp ứng sự thay đổi và khắc nghiệt của môi trường là cực kỳ quan trọng. Để thích nghi với mùa nắng, kiến trúc sư đã đưa ra giải pháp thiết kế:

Tạo đối lưu không khí: Việc tạo ra các khoảng lùi xung quanh nhà giúp không khí lưu thông tự nhiên, giảm thiểu sự tích tụ nhiệt. Bên trong nhà, các ô cửa sổ và cửa hất được bố trí hợp lý, tận dụng tối đa gió tự nhiên để làm mát không gian.

Tăng cường cây xanh: Cây xanh đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nhiệt độ, lọc không khí và tạo bóng mát. Việc trồng cây xanh xung quanh nhà, đặc biệt là những loại cây có tán lá rộng, sẽ giúp giảm bức xạ nhiệt, tạo cảm giác mát mẻ.

Sử dụng vật liệu tự nhiên: Các vật liệu như gỗ, tre, nứa có khả năng điều hòa nhiệt độ tốt. Ngoài ra, việc sử dụng các vật liệu địa phương như đá mài, đá rửa còn góp phần giảm chi phí xây dựng và tạo nên nét đặc trưng riêng cho ngôi nhà.

Việc sử dụng vật liệu địa phương và các giải pháp kiến trúc thông minh đã giúp ngôi nhà thích nghi tốt với điều kiện khí hậu khắc nghiệt của miền Trung. Hệ thống thông gió tự nhiên, mái nhà bằng bê tông kết hợp ngói, và các mảng xanh bao quanh giúp ngôi nhà luôn mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông.

Công trình này không chỉ là một điểm nhấn xanh tươi đẹp cho làng chài, mà còn là một góc nhìn thú vị và đầy cảm xúc cho bà con sống xung quanh mỗi khi họ đi ngang qua. Nó làm cho con hẻm trở nên sinh động hơn, lấp lánh với những câu chuyện và kỷ niệm mới. Đây không chỉ là một không gian sống đầy ý nghĩa, nơi kết nối các thế hệ và nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật. Ngôi nhà còn là minh chứng cho sự kết hợp hài hoà giữa các yếu tố tự nhiên và kỹ thuật để tạo nên không gian sống chất lượng, hoà hợp với khí hậu địa phương.