Nhà Cao Lãnh | Tad.atelier

THÔNG TIN DỰ ÁN:

  • Tên công trình: Nhà Cao Lãnh
  • Đơn vị thiết kế: Tad.atelier
  • Kiến trúc sư chủ trì: Vũ Tiến An
  • Chủ đầu tư:  Nhà thơ Trần Đình Thọ  
  • Năm hoàn thành xây dựng: 2021
  • Địa điểm xây dựng: 165 đường Nguyễn Hữu Kiến, xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp
  • Diện tích khu đất: 160m2
  • Diện tích xây dựng: 60m2

1. Giới thiệu tóm tắt nhiệm vụ thiết kế và môi cảnh xung quanh

Ngôi nhà tọa lạc tại xã Tân Thuận Tây, nằm dọc trục đường Nguyễn Hữu Kiến, đang trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Đường mới cũng vừa được hoàn thành vào cuối năm 2022, sẽ là tiền đề cho sự mở rộng của khu dân cư trong thời gian sắp đến.

Cao Lãnh vẫn còn giữ được nhiều nếp sinh hoạt bền vững. Đa phần nhà ở của người dân nơi đây đều gắn liền với các con sông, rạch. Từ ngày xưa, những ngôi nhà được xây dựng dọc theo các con sông nhằm thuận tiện cho việc khai phá rừng, lập vườn, ruộng rẫy. Với bề dày lịch sử và truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, con người nơi đây dường như vẫn luôn giữ được cho mình nếp sống chan hòa với thiên nhiên – những vườn hoa màu, cây ăn trái chạy dọc các tiểu vùng với hệ thống đê bao và sông rạch gần gũi.

2. Miêu tả công trình, ý tưởng thiết kế

Khi thiết kế nhà Cao Lãnh, văn phòng thiết kế đặc biệt lưu tâm đến việc làm sao có thể xây dựng một ngôi nhà ở hiện đại, mà vẫn kế thừa được tinh thần của nơi chốn và phù hợp với nhu cầu cá nhân của chủ nhà, vốn là một nhà thơ độc thân. Những nội dung cốt lõi xuyên suốt đồ án là:

  • NÔNG THÔN VÀ ĐÔ THỊ HÓA

Đô thị hóa nông thôn là chuyện khó tránh khỏi, tuy nhiên chúng tôi vẫn mong muốn thông qua thiết kế có thể giữ được được nét truyền thống đáng trân trọng trong đô thị mới. Với tinh thần đó, ý tưởng xây dựng một ngôi nhà mới nhưng gợi được cảm giác như đã tồn tại nơi đây từ lâu được hình thành.

  • RANH GIỚI XÓA NHÒA

Văn phòng thiết kế mong muốn kéo phần cảnh quan bờ sông đến gần không gian sinh hoạt hết mức có thể. Đồng thời, văn phòng thiết kế còn muốn đưa kiến trúc ôm ấp lấy thiên nhiên xung quanh.Việc bố trí xen kẽ khiến cho ranh giới kiến trúc – cảnh quan trở nên hữu cơ hơn, hoạt động của con người cũng vì vậy được ôm ấp, chở che hơn.

  • “TỔ CHIM” THỨ HAI

Ý tưởng về tổ chim cũng là ý tưởng văn phòng thiết kế được tiếp nhận từ chính chủ nhà. Sau một khoảng thời gian dài sống ở thành phố trong “chiếc tổ” xinh xắn được xây dựng, điều chỉnh và tích cóp qua năm tháng, người chủ quyết định bán đi căn nhà để về quê sống gần gia đình. Anh mong muốn ngôi nhà mới được xây dựng theo cách tương tự.

  • NHU CẦU TỐI THIỂU

Văn phòng thiết kế được yêu cầu thiết kế một ngôi nhà gần như chỉ có một không gian để anh sinh hoạt, làm việc, nghỉ ngơi. Tất cả là một không gian cho tất cả hoạt động là giải pháp mà văn phòng thiết kế cùng xây dựng với anh trong giai đoạn đầu công việc thiết kế.

  • GIÁ TRỊ TINH THẦN CỦA NGÔI NHÀ

Bên cạnh việc đáp ứng được nhu cầu ở tối thiểu, ngôi nhà cũng được thiết kế để có thể đáp ứng được nhu cầu về tinh thần của gia chủ – vốn là một nhà thơ độc thân sử dụng ngôi nhà vừa là nơi ở và làm việc. Bên cạnh việc che chở người ở khỏi nắng mưa, ngôi nhà trở thành một phần tâm hồn của gia chủ. Người – nhà – vườn như hòa làm một – nơi anh có thể thông qua đó để đối thoại với bản thân và mở lòng với thế giới.