Nhà Bánh Đúc | Space Design Archgroup (SDAG)

THÔNG TIN DỰ ÁN:

  • Tên công trình: Nhà Bánh Đúc
  • Đơn vị thiết kế thi công: Space Design Archgroup (SDAG)
  • Năm thiết kế – thi công: 2022
  • Nhiếp ảnh gia: Hiroyuki Oki
  • Địa điểm xây dựng, thiết kế: Phường Thạnh Mỹ Lợi, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.
  • Diện tích khu đất: 129m2
  • Diện tích xây dựng: 80m2
  • Tổng diện tích sàn: 173.142m2
  • Diện tích sử dụng: 139.235m2
  • Diện tích lưu thông: 33.9m2
  1. Ý tưởng thiết kế :

Nguồn cảm hứng: Là loại bánh thuần Việt được làm từ bột gạo và bột năng. Bánh mềm giòn mát mịn, và đặc biệt bản thân bánh hoàn toàn làm nền cho gia vị hay thức ăn kèm tuỳ thích. Khi bắt đầu phác thảo chúng tôi đã không ngừng nghĩ về sự tối giản hoàn hảo mà thức quà quê mang đến. Sự đơn giản luôn mang lại cho chúng ta cái nhìn sâu sắc về thẩm mỹ, sự giao thoa, kết nối, hoà mình vào hoạt động chính của con người từ đó tạo nên nền tảng giá trị cốt lõi.

Ý tưởng thiết kế: Ý tưởng chính về các không gian mang khối tích nhỏ chồng lên nhau từ đó mở ra những khoảng thông tầng thi vị với nắng – gió – mưa. Vẫn như mọi lần khi bắt đầu thiết kế bản thân thường đặt suy nghĩ của mình về sự đơn giản và ‘’phần bù‘’ quan trọng nhất của toàn bộ công trình, bỏ qua toàn bộ tính trang trí, bóc trần toàn bộ vẻ hào nhoáng vốn dĩ ai cũng mong muốn hướng tới. Cái còn lại là hình khối căn bản, kỷ hà, giá trị cốt lõi và sự tương tác thực sự cần thiết trong không gian mà bản thân gia chủ thực sự mong muốn.

Công trình là tổng thể cân bằng của không gian thông gió khi tận dụng bẫy đón gió, và làm giảm nhiệt đối lưu trong môi trường khí hậu Thành phố Hồ Chí Minh. Vì vậy khi mùa nắng nóng thông qua thông tầng làm giảm nhiệt độ so với môi trường xung quanh, mùa mưa tạo được không gian giao thoa với thiên nhiên khi theo thông tầng mưa trực tiếp xuống hồ nước . 

Tất cả các phòng đều hạn chế sử dụng điện năng ban ngày, có được thông gió đối lưu và không khí. Việc toàn bộ không gian tầng trệt được mở ra khi cần thiết cũng nhằm mục đích hoà mình vào thiên nhiên tạo thành sự kết nối vô hình với khoảng thông tầng căng đầy nắng gió.

Vật liệu chủ yếu của công trình đơn giản, chỉ xây dựng tường và sơn nước trắng và lập li mảng kính lớn kéo dài  là chủ đích của nhóm thiết kế khi mong muốn có một sự tương phản đơn giản, cơ bản để hướng một không gian hướng nội khi đủ kết nối sẽ có sự giao thoa hướng ngoại. Từ đó mọi sự kết nối của gia chủ sẽ được phép xuất hiện một cách tự nhiên. Mọi hoạt động trong ngày sẽ trở lên linh hoạt hơn khi nơi làm việc hay nơi ăn uống có thể nhanh chóng trở thành một không gian sinh hoạt chung vừa ngoài trời, lại vừa trong nhà . 

Với nhóm thiết kế đó là hành trình của sự giản dị trong bối cảnh sống hiện tại khi vừa trải qua đại dịch Covid thì điều còn lại vốn dĩ là sự kết nối, trên nền cơ sở cơ bản mỗi chúng ta sẽ lặp lại được chính mình như một đứa trẻ, viết lại thói quen trên nền giấy trắng. Và đôi khi là sự sáng tạo và cân bằng giữa học tập, giải trí, ẩm thực và nghỉ dưỡng…

Cũng với suy nghĩ ban sơ về tính bản địa trong công trình nhưng kèm theo đó là cách thể hiện hiện đại và thú vị hơn khi tổ chức các không gian đối thoại và tôn trọng cách xây dựng cơ bản, nhóm thiết kế không mong muốn gán ghép hay thêm thắt quá nhiều chi tiết dư thừa.Trở về cơ bản hay cơ bản của cơ bản là điều mà nền tảng của nhà Bánh Đúc hướng tới. Cây xanh trong công trình vốn dĩ được sử dụng gia giảm để phù hợp một phần với tính tối giản của công trình từ việc tưới, chăm sóc cũng được chú trọng ở mức cân đối nhất, tập trung vào thói quen gia chủ và tính trải nghiệm cần thiết nhất trong ngôi nhà.

Nhà Bánh Đúc – đến với khái niệm sống đủ, và nhà là nơi để ở để cùng xây dựng những kỉ niệm khi mọi điểm nhìn trong không gian đều hướng đến sự tương tác lẫn nhau.

  1. Các yếu tố trong thiết kế:

THÔNG TẦNG (ĐẶC – RỖNG)Thay vì tối đa hoá diện tích ở (quá lớn so với nhu cầu sử dụng ). Chúng tôi đã chọn dành không gian đủ rỗng để có một trải nghiệm không gian để sống. Nơi có hồ nước, không gian thoáng, nắng gió và mưa.

CỔNG CHÍNH – CỬA PHỤHay nói cách khác về một không gian đóng và mở. Chúng tôi đã suy nghĩ rất nhiều về một nơi giao thoa giữa việc mở và đóng. Có khi nào một không gian mở sẽ là nơi để mọi hoạt động kết nối tự nhiên, còn khi đóng lại là nơi lắng đọng cho tâm trí ?

ĐẶC – RỖNGKhi chọn lựa việc để khối đặc chiếm phần thể trọng chính trong công trình, từ đó mở ra những khối kết nối rỗng xốp, linh hoạt và được cân bằng với khối đặc mang lại.

Công trình nằm hướng tây nam, việc chọn một tổ hợp khối đặc đã tạo nên một không gian hướng nội. 

’’ Nhà vẫn mãi là nơi để về ‘’

PHẦN BÙ: Là trọng tâm chính của nhóm thiết kế khi:

  • Là phần bù lại những phần còn thiếu, và theo một cơ chế tự nhiên khi Đặc – Rỗng, Đóng – Mở, Tương Phản – Tương Đồng, Nóng – Lạnh, Ánh Sáng – Bóng Tối, Chung – Riêng …vẫn luôn có sự kết nối vô hình dù luôn dùng để nói về hai thái cực. Và theo một cơ chế tự nhiên khi một điều gì xuất hiện vượt trội sẽ sớm trở lên cân bằng với điều còn lại.
  • Phần bù ở đây được đề cập đến mối quan hệ cộng sinh giữa người và người, người và ngôi nhà và các tương tác bên ngoài xã hội. Theo một cách nào đấy chúng ta đã sống trong một môi trường ‘’bình thường mới‘’. Thận trọng hơn, lo lắng hơn và mất bình tĩnh hơn,… Vì vậy mà trong mỗi bản thân sẽ tự tìm cách cho chính mình không cách này hay cách khác trở về với điểm kết nối, mong cầu sự đơn giản hơn, thoải mái hơn, cân bằng hơn. Từ đó tạo ra những hoạt động chữa lành khác nhau, thúc đẩy sinh hoạt giữa mọi thành viên trở nên tích cực, không gian cũng được dần được làm mờ đi ranh giới giữa chung và riêng từ đó các không gian được hòa quyện vào nhau tạo nên bức tranh tổng thể một ngôi nhà hướng tới nếp sống văn hoá mới, kế thừa và cân bằng với truyền thống văn hoá cũ.  

ÁNH SÁNG – BÓNG TỐINgôi nhà có màu trắng chủ đạo, nổi bật dần khi trời sẩm tối và hoà quyện dần với thiên nhiên lúc trời rạng sáng. 

TỐI GIẢN – TỐI ĐATối giản trong kiến trúc để tối đa hoá sự kết nối giữa các thành viên, tối giản trong không gian ở để tối đa hoá không gian sống.

GIÓ – NƯỚC: Việc có đối lưu khi nhóm thiết kế tạo hướng đối lưu qua hồ nước giải nhiệt. Việc này vô hình củng cố phần trọng tâm thiết kế, khi mọi việc luôn cân bằng và bù vào vị trí còn thiếu.

NẮNG – MƯA: TP Hồ Chí Minh với hai mùa mưa nắng. Mùa nắng gắt công trình có hướng giảm nhiệt độ với đối lưu, trồng cây xanh tạo nhiều bóng râm. Mùa mưa điều hoà và làm trong sạch không khí khi mưa trực tiếp xuống hồ (Như một mái hiên nửa kín nửa mở trong nhà).

THẨM MỸ – THÍCH DỤNG – BỀN VỮNG – KINH TẾ: Công trình được thiết kế bởi vợ chồng KTS Lê Tiến Anh và KTS NT Nguyễn Ngọc Thanh Trang cũng là chủ của công ty về thiết kế kiến trúc, vì là công trình mà công ty trực tiếp quản lý thợ thi công (không qua thầu phụ) và bài toán kinh tế luôn là điều rất khó để thoả mãn những điều còn lại (nhất là sau khoảng thời gian dịch covid diễn ra). Việc cân bằng 4 yếu tố trên đưa ra cho nhóm việc phải xử lí khoa học và tiết chế nhất để vẫn giữ được các yếu tố Kinh Tế – Thẫm Mỹ – Thích Dụng – Bền Vững mà nhóm thiết kế theo đuổi.

Thật may mắn khi mọi thứ không phát sinh so với mức dự toán đầu tư ban đầu và vẫn giữ được hoàn toàn những điều mà nhóm thiết kế và chủ đầu tư mong muốn.

PHẦN KỸ THUẬT: Với thiết kế trục giao thông đứng, khối vệ sinh, khối bếp được đưa về 1 phía nhằm tối ưu hoá các không gian sinh hoạt còn lại, bên cạnh đó thuận tiện xử lý các vấn đề về bảo hành bảo trì của chủ đầu tư. Tạo nên giá trị bền vững và tránh lãng phí trong quá trình thi công.

KẾT NỐI – ĐỐI THOẠI: Mọi vấn đề sẽ luôn được giải quyết khi ta có đủ không gian để đối thoại và từ đó mở ra kết nối giữa các thành viên trong ngôi nhà.

VĂN HOÁ: Có một điều mà nhóm vẫn luôn đặt ra những suy nghĩ của một người trẻ có thể kế thừa và phát triển những điều thú vị từ kiến trúc bản địa. Vẫn tận dụng sân trong làm nơi bắt đầu cho mọi câu chuyện sinh hoạt chung trong gia đình, vẫn là mái hiên nửa kín nửa hở để lúc cần đón nắng gió mưa, nhưng Nhà ‘’Bánh Đúc’’ mang đến một câu chuyện mới, câu chuyện như vị của món bánh đơn giản, trong lành, ấm áp và sẵn sàng là nền tảng để tôn trọng gia vị. Một câu chuyện của sự lành lặn, liền da sau những tổn thương.