Nhà Bà Ngoại | Naqi & Partners

THÔNG TIN DỰ ÁN: 

  • Công trình: Nhà Bà Ngoại
  • Địa điểm: huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam
  • Đơn vị thiết kế: Naqi & Partners
  • Nhóm thiết kế: Nhựt Nguyễn, Quỳnh Phan, Hà Tấn Phát, Trần Hoàng Chân, Phan Trọng Tín
  • Diện tích: 70m2
  • Năm hoàn thành: 2022
  • Nhiếp ảnh: Trọng Tín, Minh Anh

“Tuổi già thường sống với hoài niệm, sống bằng hoài niệm. Họ hít thở bầu không khí thực tại, nhưng trong tâm tưởng, trong suy nghĩ, trong cảm xúc của họ luôn hướng về quá khứ đã qua, về thời mình đã sống”.

Học hỏi những điều gần gũi, thuần túy từ một không gian truyền thống, các kiến trúc sư gửi gắm các chất liệu hoài niệm vào công trình như một cách để khơi gợi những miền ký ức của tâm trí về hình ảnh đã từng gắn liền với đời sống của bà trước đây. Dưới mái ngói cũ kĩ, mọi sinh hoạt của gia đình đều được diễn ra tại hàng hiên và mảnh sân.

Hình khối tối giản phía sau vươn lên từ nếp nhà mộc mạc mái ngói bên dưới, mang đến sự tương phản nhưng kết nối hiệu quả. Ngụ ý dẫn dắt cho sự kết nối giữa cái mới và cũ, giữa các thế hệ trong nhà với nhau.

Không gian rộng rãi cho những yêu thương và hòa hợp giữa các thành viên, đồng thời vừa vặn với riêng tư của mỗi người. Mái ngói, hàng hiên, mảnh sân,… Giờ đây đưa quá khứ gần hơn với thực tại, trở thành không gian kỷ niệm dành riêng cho bà. Khi kiến trúc kết nối với dòng chảy của thời gian, đó là lúc kiến trúc chạm đến con người.

“Lúc nào ghé ngang cũng sẽ thấy bà ngồi ở hiên nhà. Hôm thì bà nhặt rau, hôm thì nghe đài, hôm thì ăn cơm, có hôm thì phe phẩy cái quạt nan ngồi hóng mát nhìn ra đường,…”

“Những ngày trời trở lạnh, bà thường ngồi trong khoảng không giếng trời rồi cũng mấy việc vẫn làm như mọi khi…”

Đặt giữa nhà là một khoảng không lấy sáng, nơi giao giữa khối nhà truyền thống và hiện đại, giữa cũ và mới. Khoảng không cho gia đình nhận biết được nắng, lắng nghe tiếng mưa và quan sát chuyển động của vùng ánh sáng tự nhiên tiếp xúc với công trình trong một ngày. Tự nhiên luôn là yếu tố tốt nhất để làm mềm sự chuyển tiếp giữa các không gian và kết nối các thế hệ.

Không gian thiền được đặt ở trọng tâm căn nhà để dành cho việc thờ cúng và thiền mỗi ngày của bà. Tôn trọng giá trị tinh thần, các vùng ánh sáng được “cô đặc” trong vùng tối để tạo nên sự tĩnh lặng, bình yên. Gam màu trầm của gỗ và chất liệu gạch hòa hợp với bối cảnh mang cảm giác tự nhiên, nhẹ nhàng, ấm áp.

Ngôi nhà với không gian rộng rãi giúp bà ngồi thiền thoải mái hơn, chỗ thờ cúng Phật, thờ cúng ông bà cũng dễ hơn, không phải leo thang khó khăn hay di chuyển xa với đôi chân đã yếu. Không gian tinh thần từ đó xoa dịu tâm hồn, gắn kết quá khứ và hiện tại, giữa các thế hệ trong gia đình.