Nam House | KTS Phạm Việt Anh
THÔNG TIN VỀ CÔNG TRÌNH
- Tên công trình: Nam House
- Diện tích: 400m2
- Năm hoàn thành: 2023
- Địa chỉ: 103 Lâm Úy, Thị Xã Ba Đồn, Tỉnh Quảng Bình
- Kiến trúc sư chủ trì: KTS Phạm Việt Anh
- Đơn vị thiết kế: KTS Phạm Việt Anh
- Nhóm thiết kế: KTS Nguyễn Vũ Hoàng, KTS. Nguyễn Văn Đức, KTS. Ngô Văn Quyền, KTS. Lê Xuân Hoàng
- Kỹ sư kết cấu: Nguyễn Minh Hoàng
- Nhiếp ảnh: Phạm Việt Anh
Quảng Bình được biết đến là vùng đất hẹp và dốc, nổi tiếng với Động Phong Nha, Động Thiên Đường, Hang Sơn Đoòng… Với khí hậu khắc nghiệt, mùa mưa lạnh rét, mùa khô gió Lào oi bức. Sự ảnh hưởng của khí hậu – thời tiết luôn có sự tác động đến lối sống – văn hóa của con người.
Ngôi nhà nằm ở rìa Thị xã Ba Đồn ( phía Bắc Quảng Bình) ngay ngã 3 nút giao thông khá đông đúc xe cộ. Mặt tiền đường nối dài vào khu chợ đầu mối, phía sau nối liền với đường bờ sông – nơi tập trung thuyền bè giao thương bằng đường thủy. Do vậy, sự tác động cả âm thanh tiếng ồn, lẫn khói bụi của bối cảnh xung quanh là một vấn đề rất quan trọng trong định hình phương án kiến trúc.
Với những đặc tính bối cảnh và diện tích khu đất khá ít 136m2, thiết kế đưa ra giải pháp tạo một cấu trúc vỏ bằng bê tông cứng. Tầng 1 để trống, với phần kính mở trải dài theo hai cạnh mặt tiền đường, đảm bảo tính đa năng cho hoạt động kinh doanh. Các chức năng ở – sinh hoạt của gia đình được đẩy lên các tầng trên, bao gồm tầng 2 là các phòng ngủ, phòng bếp – ăn, phòng khách; tầng 3 là không gian sinh hoạt chung, phòng ngủ nhỏ, phòng thờ và tầng áp mái là bể bơi mở ra cảnh quan tự nhiên bên ngoài…
Chủ nhà mong muốn một ngôi nhà để sống, gia đình quây quần với nhau sau những ngày làm việc mệt mỏi… Kiến trúc sư mường tượng về cảm giác tĩnh tại khi bước vào một hang động, ranh giới giữa bên trong và bên ngoài dần chia cắt, nơi phố xá xe cộ đông đúc biến mất, hạn chế sự quan sát và tác động giữa trong và ngoài ngôi nhà. Bên trong đó là không gian, là ánh sáng, là cảm xúc, là gia đình… Bằng cách đóng kín bên ngoài và mở rỗng liên thông các chức năng bên trong, phân bố công năng tạo ra sự thay đổi về diện tích và thể tích theo tầng cao ngôi nhà. Hệ thống thang là nơi chuyển tiếp các trục giao thông giúp cho sự kết nối của các thành viên được tăng cường. Cũng nhằm tạo ra một sự trải nghiệm, cuộc dạo chơi trong không gian đầy tự do. Mỗi bước đi là những điểm nhìn khác nhau và đầy đặc biệt.
Các phòng ngủ riêng được đề xuất với diện tích tối thiểu, nhằm đảm bảo các không gian sinh hoạt chung được mở rộng, “rỗng” và liên thông nhiều nhất, nhờ vậy các thành viên trong gia đình có thể kết nối, tương tác, hay chia sẻ. Mặc dù mỗi người đều có sở thích, công việc riêng, nhưng khi trở về, không gian chung sẽ luôn là nơi dung chứa mọi người và cởi mở mọi thứ với nhau.
Tiếp nối – luân phiên khép kín ở tầng 2, 3. Với nắng nóng mưa nhiều, gió bão quanh năm, hệ thống mái xiên bằng bê tông là giải pháp đảm bảo hạn chế các yếu tố đó tác động vào bên trong ngôi nhà. Một bể bơi nửa mái che – nửa mở kéo dài về hướng Tây, vừa là nơi đối lưu không khí trên cao, vừa tạo cảm giác cho người sử dụng khi bơi từ trong ra ngoài, thả lỏng sau những mệt mỏi mở ra một bầu trời thênh thang, bồng bềnh và giàu cảm xúc. Dẫn dắt lên mái nhà bằng một hệ thang dài, ngôi nhà như một điểm nhìn bao quát xung quanh vô tận, được tận hưởng những khoảnh khắc tuyệt đẹp mà thiên nhiên mang lại.
Với dự án này, Kiến trúc sư mong muốn tạo ra những chuỗi cảm giác về sự trải nghiệm, hướng nội, tĩnh lặng, riêng tư nhưng vẫn gắn kết với tự nhiên thông qua các điểm mở ánh sáng và mái nhà. Không gian và thời gian, giữa các yếu tố nội – ngoại thay vì tách biệt và khóa kín . Ngôi nhà trở thành tính độc bản cho riêng cá tính và mong cầu của chủ nhà.