THÔNG TIN DỰ ÁN:

  • Tên công trình: Nam Cường Shophouse
  • Đơn vị thiết kế: A+ Architects
  • KTS chủ trì: Vũ Hoàng Kha
  • Thành viên nhóm thiết kế: Trần Văn An, Nguyễn Trọng Huân, Nguyễn Long Ẩn, Kinga Tomalak, Trần Thị Ly Na, Lương Văn Tàu, Nguyễn Thị Lan Anh, Lê Anh Huy, Lâm Hoàng Minh Trí, Lê Quốc Kiệt, Hồ Ngọc Bảo Vy.
  • Địa điểm: Bình Dương
  • Diện tích xây dựng: 2000 m2

Dự án tọa lạc tại tỉnh Bình Dương – một trong 8 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của đất nước và là cửa ngõ giao thương với Thành Phố Hồ Chí Minh.

Team thiết kế tiếp cận dự án khi công trình đang xây dựng phần thô trên mảnh đất 300m2. Chủ đầu tư muốn chức năng của công trình là shophouse.

Thách thức lớn nhất của đội ngũ KTS có lẽ là đặc thù công trình nhà ở kết hợp kinh doanh với sự vạch tuyến giao thông phức tạp. Thiết kế cũ không đáp ứng được nhu cầu vận hành khi thang máy và thang bộ cho khách nằm xa nhau và kéo lên tới tận tầng sinh hoạt. Tiếp theo, trưng bày show window cho sản phẩm trưng bày khi mà toàn bộ mặt tiền 7 tầng đều chính diện với nắng tây là một bài toán khó khăn cho đội ngũ. Không thay đổi được hệ kết cấu với những dầm cột xây dựng sẵn cũng là một rào cản lớn trong thiết kế mặt tiền cho tòa nhà. Chưa kể đến việc thiết kế công năng của tầng ở rất thiếu chiều sâu, không hợp lý trong vận hành và phân khu chức năng. Và cuối cùng, việc kiểm soát lại chi phí cho một một công trình có diện tích sàn lớn cũng là yêu cầu được đặt ra từ phía chủ đầu tư.

Nam Cường Shophouse là một dự án với rất nhiều thử thách. Đầu tiên, chúng tôi phải kết nối 2 nút giao thông rời rạc của khách hàng lại với nhau bằng một hành lang xéo. Với các line màu định danh và phân khu bán hàng, lối giao thông này trở nên vui tươi hơn với nhiều line màu epoxy. Thông thường đứng trong một trong không gian lớn, con người dễ dàng bị mất phương hướng khi không có đối tượng để định vị. Việc đi theo các line màu này giúp mọi người giải quyết được vấn đề tìm sản phẩm cần mua nằm ở đâu khi đến các trung tâm mua sắm lớn.

Thứ hai là bài toán mặt đứng. Khi không thay đổi được phần khung có sẵn, với nắng tây chiếu trực diện và nhu cầu các ô cửa trưng bày… thì giải pháp cửa hai lớp linh hoạt được lựa chọn. Lớp lam trượt bên ngoài tạo thành một lớp áo chống nắng tây một cách hiệu quả. Đặc biệt, trong những buổi không có nắng, hệ lam này tự động trượt qua để lộ các ô cửa trưng bày quảng cáo. Và khi tới buổi chiều thì nhu cầu quảng cáo không còn nữa, hệ lam sẽ tự động trượt lại để thực hiện sứ mệnh chống nóng cho công trình. Bên cạnh đó, các khoảng lùi và mái lam đua cũng là giải pháp tạo lớp đệm chống nắng tây cho sảnh chính tầng trệt và tầng ở trên cùng của toà nhà. Với sự ưu đãi của thiên nhiên, Bình Dương có nhiều nguồn nguyên liệu địa phương có thể khai thác, đặc biệt là gỗ tự nhiên. Hệ lam làm từ gỗ tuyến tính này cũng là một giải pháp bền vững được đội ngũ lựa chọn.

Tiếp theo là việc tổ chức lại giao thông vận hành cho tầng ở, nút giao thông chung được kiểm soát ở sảnh trước khi vào toà nhà. Phân khu động khu tĩnh rõ ràng hơn, và tổ chức được một khu sân vườn nhỏ kết nối giao thông với không gian vườn rau trên sân thượng cũng là một đề xuất khéo léo dựa trên những kết cấu có sẵn.

Cuối cùng bài toán chi phí được kiểm soát thông qua những giải pháp như: Dùng chính hệ kết cấu thô và hệ thống kỹ thuật để trang trí cho toàn bộ không gian. Các hệ kệ trưng bày được module hoá để giảm giá thành khi sản xuất, đồng thời dễ dàng thay đổi trưng bày theo nhu cầu sản phẩm mới. Việc phân khu theo đối tượng khách hàng cũng được quan tâm thông qua ngôn ngữ thiết kế. Các điểm nhấn trưng bày ở sảnh, nhấn gam hồng cho thang bộ đứng cũng là những điều thú vị của không gian vận hành.

Bằng những giải pháp đơn giản, chúng ta hoàn toàn có thể biến một dự án đang tồn tại nhiều vấn đề thành một công trình sinh động, phù hợp hơn với việc vận hành của mô hình shophouse. Thông qua dự án này, đội ngũ thiết kế muốn chia sẻ với cộng đồng một câu chuyện làm nghề nhỏ cũng như lời nhắn nhủ: Hãy mạnh dạn thay đổi khi bạn còn có thể!