THÔNG TIN DỰ ÁN:
- Tên công trình: MW archstudio – Working Space
- Đơn vị thiết kế: MW archstudio
- Năm hoàn thành: 2019
- Vị trí dự án: Đường N2, KQH Thủy Thanh Giai đoạn 3, Phường Thùy Dương, Thành phố Huế, Việt Nam
- KTS trưởng: Lê Minh Quang, Nguyễn Ái Thy
- Đội ngũ thiết kế: Nguyễn Phước Quốc Thắng, Lê Thị Thu Hương
- Kỹ sư: Lê Văn Hùng
- Ảnh: Hiroyuki Oki
Với công trình văn phòng – MW archstudio – Working Space, các KTS của MW archstudio hướng đến tạo được một không gian làm việc thoải mái, là môi trường tạo cảm hứng cho con người làm việc tốt nhất ở đó, hướng tới mục tiêu không gian “đáng để làm việc”.
Văn phòng công ty MW archstudio được xây dựng tại Thành phố Huế – Việt Nam. Văn phòng được xây dựng trên diện tích đất 150 m2, hình chữ nhật có các cạnh lần lượt là 7.5 m (mặt tiền chính, quay về hướng Tây Nam) và 20m. Khu đất này nằm trong khu quy hoạch dân cư mới hình thành cách xa trung tâm thành phố.
Công trình có quy mô 2 tầng, không gian tầng 2 là không gian làm việc chính, tầng 1 là khu không gian mở đa chức năng: làm việc, tiếp khách, không gian họp, sinh hoạt chung, không gian sinh hoạt giao lưu sự kiện, training, triển lãm, các chức năng phụ trợ và thư giãn (bếp, wc, tắm trong nhà và ngoài trời, phòng xông hơi).
Với công trình văn phòng, vấn đề quan trọng là làm sao tạo được một không gian làm việc thoải mái, là môi trường tạo cảm hứng cho con người làm việc tốt nhất ở đó. Nếu như với một căn nhà – không gian sinh hoạt ở luôn được hướng tới là nơi “đáng sống” thì với văn phòng cũng nên hướng tới mục tiêu “không gian đáng để làm việc”. Từ đó sẽ tạo cảm hứng, đam mê và cống hiến – nhằm đạt hiệu suất làm việc và những năng lượng tích cực trong các sản phẩm, kết quả công việc mà con người sẽ tạo ra.
Thông thường đa số các văn phòng thường tập trung tại các khu vực đông người, trong các trung tâm đô thị công nghiệp ngột ngạt nhằm rút ngắn phạm vi, thời gian di chuyển, tương tác giữa những người làm việc với nhau và các hoạt động phụ trợ khác. Nhưng MW archstudio thì lại có cách nghĩ khác: Trong thời đại số hóa, thông tin trao đổi online là rất thuận tiện, nhanh và chính xác. Cùng lúc đó là hệ thống hạ tầng, giao thông công cộng đang rất phát triển. Nên vấn đề khoảng cách không còn quá ưu tiên. Mà vấn đề quan trọng lại nằm ở chất lượng môi trường sống, môi trường văn hóa tại không gian làm việc. Từ đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tinh thần của con người làm việc bên trong không gian ấy. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu suất, sản phẩm, kết quả công việc của con người.
Do đặc thù MW archstudio hoạt động trong ngành thiết kế kiến trúc, đa phần là kiến trúc sư làm việc tại đây, nên không gian làm việc cũng có những đặc trưng riêng, và càng phải là nơi tạo cảm hứng tốt nhất có thể cho tinh thần những con người đang làm công việc sáng tạo kiến trúc.
Với người thiết kế nói chung, công việc sáng tạo kiến trúc là một công việc tương đối phức tạp và nghiêm túc. Nhưng ở đó không chỉ có sự khô cứng của các vấn đề kỹ thuật, mà người kiến trúc sư cũng có rất nhiều bay bổng, ước mơ, chất thơ và uyển chuyển trong công việc sáng tạo. Các kiến trúc sư tại đây luôn định hướng tới “trong sáng, nhân văn, hướng tới nguồn năng lượng tính cực”. Từ đó dẫn tới cảm hứng tạo một không gian làm việc giữa một khu vườn tự nhiên. Ở đó con người được làm việc giữa tự nhiên, tương tác với tự nhiên thông qua các hoạt động làm việc hàng ngày. Cái tốt, cái đẹp của tự nhiên luôn là bền vững, là tấm gương phản chiếu những tác động của con người vào tự nhiên là tích cực hay tiêu cực, để từ đó con người tự đánh giá và điều chỉnh các hành vi của bản thân một cách kịp thời.
Ý tưởng này thể hiện rõ qua cách tạo hệ thống cửa đóng mở linh hoạt, nhằm xóa bỏ ranh giới giữa trong nhà và ngoài nhà. Hệ thống cây xanh và sỏi đá được bố trí trải dài, phủ kín tất cả từ ngoài vườn vào trong nhà, hầu hết toàn bộ diện tích tầng 1. Chỉ những công năng cần thiết nhất sẽ được bố trí trên sàn phẳng để hoạt động tại tầng này. Từ đó diện tích chiếm đất tại tầng 1 được tinh giảm tối đa nhất có thể.