MỘC House | ANL Architect

THÔNG TIN DỰ ÁN:

  • Tên công trình: MỘC House
  • Địa điểm: Việt Trì, Phú Thọ
  • Diện tích khu đất: 90m2
  • Đơn vị thiết kế và thi công: ANL Architect 
  • KTS chủ trì: Nguyễn Việt Hùng
  • Năm thiết kế: 2021
  • Năm hoàn thành: 09/2021
  • Nguồn ảnh chụp: Cao Hoà

Lối sống gần gũi hòa mình với thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên là một truyền thống của cha ông từ thời xa xưa, khi mà ngôi nhà được bao bọc bởi cây xanh và vườn tược. Kết hợp với yếu tố khoảng lùi tạo bóng râm mát mẻ. Tất cả mang đến cho ngôi nhà một không gian sống lý tưởng.

Nhờ vào việc bao phủ xung quanh bởi cây cỏ, ngôi nhà hiện hữu trong một không gian tự nhiên thanh thoát. Ánh sáng mặt trời điều tiết một cách khéo léo thông qua những lớp cây xanh, giữ cho không gian trong nhà luôn mát mẻ và dễ chịu.

Ban đầu tìm đến ANL architect hai anh chị bày tỏ quan điểm sở thích yêu thiên nhiên, mong muốn ngôi nhà của mình được hòa mình cùng thiên nhiên. Ngoài ra anh chị còn muốn một ngôi nhà với thiết kế độc đáo, không theo lối mòn như những ngôi nhà phố cũ tại địa phương.

Tiếp nối ý tưởng đó, Mộc House – ngôi nhà của một đôi vợ chồng trẻ được xây dựng tại tỉnh Phú Thọ, Việt Nam. Thiết kế của Mộc House được tiếp cận theo hướng đơn giản nhất, sắp đặt các hình khối nhằm đưa ra giải pháp cho một không gian sống hoàn toàn mở với thiên nhiên và cũng gần gũi với hàng xóm láng giềng. Mộc House được tạo nên bởi sự sắp xếp các khối chức năng xoay quanh khoảng không và cây xanh, mặt ngoài của Mộc House cũng được thiết kế mở để tiếp xúc với ánh sáng, cây xanh, bầu trời.

Mộc House mặc dù là loại hình nhà phố nhỏ nhưng được nằm ở vị trí lô đất góc ngã 3 trong một khu dân cư chưa được quy hoạch nên hình dáng khu đất khác biệt so với nhà phố thường được phân lô vuông vắn. Sau khi khảo sát hiện trạng chúng tôi nhận thấy vị trí khu đất có ưu điểm là khí hậu ở đây khá tốt bởi xung quanh được trồng nhiều cây to lâu năm và phía Bắc của khu đất gần với một hồ nước trải dài. Nhược điểm duy nhất đấy là hướng Tây – hướng của khu đất.

Sau khi khảo sát khai thác những ưu điểm và tìm cách khắc phục nhược điểm, chúng tôi đưa ra giải pháp về hình khối công trình như sau: khối phía trước được đục các khối rỗng tạo thành các khoảng bóng đổ nhằm hạn chế bức xạ mặt trời từ phía Tây (hướng chính của công trình), khối phía sau được tiếp giáp khoảng thông tầng giữa nhà, một khối chữ nhật lớn ở giữa công trình có chức năng kết nối không gian, ngoài ra khối giữa bố trí mảng kính lớn nhìn ra cảnh quan và làng xóm xung quanh (chúng tôi đã nghiên cứu đường đi mặt trời và nhận thấy mảng kính mở về hướng Bắc không nhận ánh sáng mặt trời trực tiếp).

Về công năng, chúng tôi đề cao sự giao tiếp giữa con người với con người và con người với thiên nhiên. Vậy nên trong công trình, chúng tôi sắp đặt các không gian chức năng như phòng khách, bếp + ăn, các phòng ngủ,.. đều được tiếp giáp với khoảng không và cây xanh. Cầu thang thép chữ I dọc nhà và khoảng thông tầng giữa nhà chính là sự kết nối không gian sinh hoạt và làm tăng sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình.

Việc sử dụng tài nguyên một cách bền vững và tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng cũng đóng vai trò quan trọng trong lối sống này. Những biện pháp tiết kiệm năng lượng như sử dụng ánh sáng tự nhiên thay vì đèn điện vào ban ngày, hay tận dụng gió tự nhiên để làm mát không gian, đều được ưu tiên.

Hệ hàng rào nan dọc từ mặt sân được tính toán xoay một góc phù hợp, kết hợp cùng vườn cây giúp hạn chế mắt nhìn trực tiếp vào không gian sinh hoạt chung của gia đình từ đó mang lại sự riêng nhưng vẫn cởi mở gần gũi, kết nối với xóm làng trong khu dân cư.