THÔNG TIN VỀ CÔNG TRÌNH
- Tên công trình: LACASA
- Đơn vị thiết kế: Chơn.a
- Năm thiết kế: 2022
- Năm hoàn thành: 2023
- Địa điểm xây dựng: TP. Nha Trang
- Diện tích khu đất: 1600 m2
- Diện tích xây dựng: 270 m2
- Tổng diện tích sàn: 720 m2
- Kiến trúc sư trưởng: Quảng Chơn
- Phát triển thiết kế: Minh Phúc, Tường Quyên, Khánh Minh
- Thiết kế nội thất: Dương Thị Tuyết
- Tổ chức thi công: Gia Ánh, Loan Nguyễn, Nhật Toàn
- Nhiếp ảnh gia: Đỗ Sỹ
“Bản địa tính trong sự biểu hiện của hình thức đương đại” là nguồn cảm hứng xuyên suốt của ngôi nhà từ tổng thể quy hoạch sắp đặt đến chi tiết không gian và chất liệu.
Ý niệm khởi đầu về một ngôi nhà với vẻ ngoài mang dáng dấp hình học mạnh mẽ, cởi mở, hoà điệu cùng những đường cong mềm mại, như một biểu trưng cho sự hoà hợp giữa tính nam và tính nữ trong mỗi con người, giữa âm và dương của đất trời vạn vật.
Mảnh đất nằm ven quốc lộ ở ngoại ô thành phố Nha Trang, chiều dài chừng trăm mét, dốc thoải dần về bãi biển, nền địa chất khá yếu với mạch nước ngầm thoát nước tự nhiên từ triền núi chảy ra biển. Mặt trước hướng chính Tây giáp đường quốc lộ và đường sắt hoả xa chạy song song, chịu ảnh hưởng rung động và tiếng ồn từ giao thông trên quốc lộ và đường sắt hoả xa kèm bức xạ nhiệt mặt trời buổi chiều. Mặt sau hướng chính Đông là bãi biển uốn cong mềm mại, nhưng đồng thời vào mùa mưa cũng hứng chịu những đợt gió giật mạnh từ biển đông.
Những cây xoài nhiều năm tuổi cùng những hàng dừa xanh rì rào trên mảnh đất được giữ lại như một phần hiện hữu. Ngôi nhà được đặt ở gần giữa mảnh đất, lùi xa mặt đường quốc lộ, nương theo địa hình dốc hiện trạng, mặt bằng trệt cũng được thay đổi cốt nền thấp dần chuyển tiếp về hướng biển tương ứng chức năng từng không gian riêng, chung, để rồi tầm nhìn càng lúc càng mở rộng hơn bao quát cả thiên nhiên mĩ miều.
Giải pháp kết cấu bê tông hai lớp dày sáu tấc cho sàn và mái, tạo ra một cấu trúc console vươn nhịp sáu mét rưỡi với chất liệu bê tông để thô hoàn thiện, vừa có thể cách nhiệt tốt vào mùa nóng, vừa có tác dụng như khoảng hiên lớn trong các kiến trúc truyền thống che chắn bức xạ nhiệt mặt trời hướng tây, cùng với gam màu trầm của bê tông tạo nên vùng chuyển tiếp sáng tối cho cảm giác thoải mái trong điều tiết mắt người, đồng thời cũng giúp cách âm, triệt tiêu những rung động giao thông và giúp cấu trúc ổn định hơn trên một mảnh đất dốc thoải kèm theo mạch nước ngầm bên dưới.
Hơi thở tự nhiên của vùng miền được khắc hoạ qua từng chất liệu hoàn thiện ngôi nhà. Sân được lát đá chẻ xám với cỏ mọc đan xen giúp giảm sức nóng mặt trời và mưa dễ dàng thấm vào đất. Tường được dán đá chẻ vàng bề mặt gồ ghề tự nhiên giàu chất cảm, vừa cách nhiệt vừa giảm tiếng ồn ào xe cộ. Nền được lát chủ đạo với đá bazan đen mờ cùng sự phản quang nhè nhẹ tạo cảm giác trong chuyển tiếp ánh sáng mượt mà, đan xen cùng nền gỗ keo tự nhiên được trồng và sản xuất trong vùng. Không thể thiếu vẻ tự nhiên của đá mài và đá rửa từ bàn tay những người thợ thủ công, cái chất liệu giàu cảm xúc ấy đã hun đúc nên cái nghề gắn bó qua nhiều thế hệ.
Hình ảnh bậu cửa gỗ bên hàng hiên thấp hay lối bố trí nhà tắm nằm xa hẳn ở mộ góc vườn trong những ngôi nhà truyền thống được khơi gợi trong lối ngủ của gian phòng với trần gỗ mái nghiêng cao độ vừa tầm mắt bên bậu cửa tiếp nối hàng hiên và khoảng sân nhỏ vườn riêng. Hay khu vườn tắm tràn đầy cây xanh trong lấp lánh nắng qua lớp tường gạch kính biến chuyển thi vị, vừa có vai trò như khoảng đệm cách nhiệt hướng tây, lại vừa như lớp cách âm giảm tiếng ồn cho phòng ngủ bé và các không gian phía sau.
“Tình yêu là sự dung thông lớn nhất giữa con người và nơi chốn. Khi tâm hồn ta và linh hồn đất đồng điệu, bản địa tính trở thành một dòng chảy tự nhiên đong đầy cùng năm tháng”