- Tên công trình: House in Estella
- Địa chỉ: Chung cư Estella, Phường An Phú, Quận 2, TPHCM, Việt Nam
- Diện tích xây dựng (m2): 91 m2
- KTS chủ trì: Vũ Hà Anh, Lê Gia Viên
- Đơn vị thiết kế : VHA Architecture
- Năm hoàn thành: 2024
- Nhiếp ảnh: Phú Đào
Không chỉ là một không gian sống đẹp mắt và tiện nghi, căn hộ “House in Estella” còn thể hiện tình yêu thương, sự chăm sóc ân cần mà người con muốn dành cho cha mẹ mình trong những năm tháng tuổi già.
Dự án với mục tiêu cải tạo một căn hộ đã được chủ đầu tư sử dụng cách đây 10 năm. Bởi những giới hạn về kết cấu của căn hộ, việc mở rộng không gian là điều không thể. Tuy nhiên, các kiến trúc sư đã tìm ra giải pháp sáng tạo, khéo léo nâng cấp không gian hiện trạng để đảm bảo sự thuận tiện cho những người lớn tuổi.
Một không gian phòng khách mở, kết nối liền mạch với bếp và có tầm nhìn ra ban công rộng rãi tràn ngập cây xanh
Căn hộ có diện tích sử dụng 91 m2, bao gồm 2 phòng ngủ, 2 nhà vệ sinh, 1 ban công và 1 lô gia. Ngay từ khi bắt đầu thiết kế, kiến trúc sư đã nhận một “đề bài” khá cụ thể: tạo một không gian phòng khách mở, kết nối liền mạch với bếp và có tầm nhìn ra ban công rộng rãi tràn ngập cây xanh.
Khi thiết kế căn hộ, yếu tố quan trọng nhất mà các kiến trúc sư đặt lên hàng đầu chính là khả năng di chuyển dễ dàng cho người lớn tuổi. Do đó, giao thông trong căn hộ được bố trí theo đường thẳng, giúp người thân dễ dàng di chuyển giữa các không gian mà không gặp phải bất kỳ trở ngại nào. Đây là sự chú trọng đến sự an toàn và sự thuận tiện trong sinh hoạt hằng ngày của ba mẹ người chủ căn hộ.
Giao thông trong căn hộ được bố trí theo đường thẳng, giúp người thân dễ dàng di chuyển giữa các không gian
Điều đặc biệt trong dự án này chính là cách mà không gian bếp được cải tạo để trở thành một “Mini Stage” ấm cúng, thể hiện sự quan tâm của con trai đến sở thích và nhu cầu chăm sóc gia đình của người mẹ. Một cách gọi như để tôn vinh những giây phút mẹ đứng trong bếp, sửa soạn, sáng tạo, miệt mài đôi tay chăm chút cho từng bữa ăn.
Vật liệu gỗ được sử dụng để phân định căn bếp, trở thành một “sân khấu mini” của mẹ
Việc sử dụng vật liệu gỗ để phân chia không gian bếp và hành lang phòng ngủ không chỉ tạo sự phân định rõ ràng mà còn giúp giữ nguyên không gian sinh hoạt chung, tạo cảm giác rộng rãi hơn mà không làm mất đi tính thẩm mỹ.

Không gian phòng khách và phòng ăn được mở rộng bằng cách tận dụng khu vực ban công phía trước, tạo nên một không gian sinh hoạt chung thoáng đãng. Đây cũng là một điểm nhấn khi người con muốn mang đến cho ba mẹ một nơi để thư giãn, tận hưởng không khí tự nhiên và ánh sáng mặt trời, đồng thời có tầm nhìn rộng mở ra bên ngoài.
Tấm nan đan thủ công, vật liệu truyền thống của Việt Nam, được sử dụng để phân chia không gian
Những chi tiết nhỏ nhưng vô cùng tinh tế được thể hiện trong không gian phòng ngủ của căn hộ. Tấm nan đan thủ công, vật liệu truyền thống của Việt Nam, được sử dụng để phân chia không gian giữa giường, tủ quần áo và phòng vệ sinh. Điều này không chỉ tạo ra sự đồng nhất về thẩm mỹ mà còn thể hiện sự gần gũi, ấm áp trong không gian nghỉ ngơi của ba mẹ. Đặc biệt, vật liệu gạch đỏ được sử dụng làm tín hiệu nhận diện, giúp người lớn tuổi dễ dàng nhận biết đường đi vào phòng vệ sinh, hạn chế sự cố trong quá trình di chuyển.

Một yếu tố không thể thiếu trong thiết kế này là sự điều chỉnh ánh sáng tự nhiên cho phù hợp với nhu cầu nghỉ ngơi của người lớn tuổi. Cửa sổ kính lớn đảm bảo sự thông thoáng cho căn phòng, nhưng đồng thời cũng có những biện pháp kiểm soát ánh sáng quá mạnh, giúp tạo ra một không gian ngủ thoải mái và dễ chịu.

Từ những lựa chọn vật liệu tinh tế cho đến cách bố trí không gian hài hòa, tất cả đều hướng đến việc tạo ra một môi trường sống không chỉ đẹp mắt mà còn đầy đủ tiện nghi, an toàn và ấm áp. Điều đó chỉ có thể đến từ sự ân cần, chu đáo và người con trai muốn dành cho ba mẹ mình.