Eco-cycle pavilion | Takashi Niwa Architects

 THÔNG TIN VỀ CÔNG TRÌNH

  • Tên công trình: Eco-cycle pavilion 
  • Hoàn thiện: 10.2022
  • Loại công trình: Nhà hàng
  • Địa điểm: Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, Việt Nam
  • Diện tích khu đất: 1,176 m2
  • Tổng diện tích sàn: 1,226 m2
  • Công ty thiết kế kiến trúc: Takashi Niwa Architects (Takashi Niwa, Vũ Thị Thanh Hương, Trần Thị Thu Trang, Bùi Công Kỳ, Đỗ Hữu Tâm) – Thiết kế hỗ trợ: Kkanche Ratadia
  • Công ty Thiết kế kết cấu: Công ty CP Xây dựng SMT Việt Nam
  • Công ty Thiết kế MEP: Công ty TNHH Theta Engineering
  • Nhiếp ảnh gia: Hiroyuki Oki

Nhà hàng Eco-cycle Pavillion là công trình được thiết kế với các ý tưởng đa dạng mang định hướng phát triển bền vững. Đây là nhà hàng được thiết kế trong “Khu phức hợp Becamex Tokyu Hikari”, khu phức hợp bao gồm 15 thương hiệu đồ ăn-uống lớn, đặt tại trung tâm của Thành phố mới Bình Dương. 

Chủ đầu tư đang hiện thực hóa những nhà hàng mang yếu tố bền vững ở Việt Nam và Campuchia với mục tiêu truyền tải đến khách hàng những bài học thông qua sự giải trí, một không gian giải trí nhưng vẫn mang tính giáo dục. Takashi Niwa Architects cùng Chủ đầu tư đã phối hợp với Becamex Tokyu- chủ đầu tư của khu phức hợp Hikari để nhân rộng ý tưởng này rộng rãi, cũng như đem lại cuộc sống bền vững cho những người dân tại một thành phố mới.
Áp dụng từ mô hình rộng rãi toàn khu phức hợp cho đến từng gian hàng trong khu phức hợp, thiết kế được suy tính kỹ lưỡng để tạo nên đa lớp bền vững từ các hoạt động sản xuất tới việc tiêu thụ thức ăn. Bằng việc sử dụng các vật liệu tái chế và các không gian mang tính giáo dục-giải trí, tự trồng rau trong vườn để có các thực phẩm hữu cơ, tốt cho sức khỏe, nhà hàng là một dự án điển hình cho việc giảm thiểu các tác động đến môi trường, phát triển bền vững.
 
Hệ thống sinh thái được hiện thực tại các khu vườn trong nhà hàng
Nhà hàng được bao quanh bởi các vườn cây ăn quả (như chuối, khế, xoài, bưởi…) vừa tạo bóng mát, thực khách có view nhìn ra thiên nhiên lại vừa cho quả ăn. Từ hồ nước nuôi các loại cá ăn được, khi bước vào nhà hàng, thực khách được chào đón bằng một chiếc ghế băng lớn làm từ vật liệu nhựa tái chế và sau đó sẽ bước vào không gian nhà hàng với khoảng không gian giếng trời lớn lấy sáng tự nhiên và thay đổi theo các thời gian khác nhau trong ngày. Hệ sinh thái được thiết kế tập trung ở khu vườn bên trong nhà hàng và được mở rộng ra khu vực ăn và khu vườn bên ngoài. 
Phân ủ cho vườn cây từ thực phẩm thừa của nhà hàng, rác nhà hàng được thu gom riêng biệt, sử dụng phân hữu cơ và các vườn cây bên ngoài chính là những phương pháp đặc trưng mà nhà hàng áp dụng như một phần trong các sáng kiến bền vững. Vòng tuần hoàn sinh thái này của nhà hàng còn là một cách giải trí mang tính giáo dục cho khách về các hoạt động bền vững mà thực khách vẫn có thể tận hưởng được các khoảng xanh cây cối thiên nhiên.
 
Từ thực phẩm hữu cơ dùng cho bữa ăn đến việc tái sử dụng các vật liệu vào không gian nhà hàng
Áp dụng chu trình sản xuất thực phẩm sinh thái, nhà hàng phục vụ thức ăn cho thực khách bằng chính các thực phẩm hữu cơ trồng được tại vườn rau hay tái chế váng phô mai để pha chế thành đồ uống. Ý tưởng này còn được mở rộng và áp dụng vào không gian nhà hàng với việc sử dụng các vật liệu không sử dụng từ hoạt động của nhà hàng làm vật liệu trang trí nội thất. Ví dụ, sử dụng nhựa tái chế làm băng ghế và tủ; Vỏ chai bia khi dùng hết làm họa tiết trên sàn hoàn thiện; Gạch tái chế ốp tường; Thép tái chế làm tay vịn; Gỗ tái chế chịu bền từ gỗ thuyền làm cửa, bàn; Khối bê tông để thử nghiệm nền móng được tái sử dụng làm lối đi trong khu vườn bên trong.