De Hue Space| StudioVoi
- Địa chỉ: Thủy Biều, Huế
- Đơn vị thiết kế: StudioVoi
- KTS chủ trì: Nguyễn Đăng Phi Long
- Diện tích: 500m2
- Năm hoàn thành: 2023
DE HUE là một công trình phục vụ khách du lịch lưu trú ngắn ngày tại Huế vừa là không gian tổ chức các sự kiện nhỏ, sinh hoạt văn hóa nghệ thuật địa phương nhằm chung tay góp phần gìn giữ, quảng bá và phát triển du lịch Huế. DE HUE là một nơi kể lại một phần hình ảnh của một người Huế trẻ yêu Huế sinh sống, lớn lên và muốn gìn giữ một phần nào đó bản sắc đời thường cũng như giới thiệu với mọi người đến Huế để khám phá thực tế địa điểm du lịch nổi tiếng này. Cơ sở để chúng tôi bắt tay vào việc thiết kế này là sự phản chiếu lại hình ảnh cuộc sống của chính vùng đất này thông qua giải pháp và không gian hình thành nên Dehue.
Khu đất nằm trên mặt đường chính của Thuỷ Biều, một vùng đất nổi tiếng với nhà vườn Huế. Nơi đây có vườn bưởi Thanh trà cùng các loại cây ăn trái luôn được bao bọc xanh mát quanh năm bởi những hàng chè tàu đặc trưng. Vị trí giáp mặt đường chính vừa là lợi thế vừa là thách thức cho bản thân công trình trước thời đại đô thị hoá cùng nền kinh tế lấy mặt tiền làm thước đo giá trị bên trong. Còn với chúng tôi, Dehue không gì khác hơn ngoài ý muốn giữ lại nét đẹp và nếp sinh hoạt vốn có của vùng đất này.
Dựa trên bối cảnh vùng đất văn hoá Thuỷ Biều, công trình có quy mô 2 tầng được xây dựng với mật độ không quá 50%. Bố cục khối độc lập và hướng ngoại như cấu trúc cơ bản của nhà vườn có gian chính phụ và sân trước sân sau. Dehue giữ lại mặt tiền thân thuộc cho Thủy Biều là hàng chè tàu và khoảng sân trước nhiều cây xanh, đó cũng là không gian sinh hoạt chung phục vụ hoạt động văn hóa nghệ thuật và khoảng đệm cho không gian lưu trú và đường giao thông.
Cấu trúc hình thành lên không gian Dehue được tạo thành bởi 2 nửa đường tròn tiếp xúc nhau với 2 tâm là 2 khoảng sân vườn trước và sau tạo thành 4 khoảng sân ở vị trí chiều rộng lớn nhất. Mọi hoạt động đều được định hướng ra ngoài các khoảng không gian sân vườn này và đi xuyên qua chúng. Các không gian bao gồm không gian sinh hoạt chung, 7 phòng lưu trú, bếp chung và không gian phụ trợ. Tất cả đều nằm giữa khoảng vườn xanh.
Phòng Đông Ba – không gian sinh hoạt chung, được định hình từ bức tường nửa cung tròn thứ nhất là một khoảng sân vườn nhỏ nơi mọi ánh nhìn, chuyển động và âm thanh đều sẽ phản hồi lại mảnh sân này. Một hệ cửa bức bàn dài luôn rộng mở để chào đón và tổ chức các hoạt động chung. Gác nhẹ lên những ô cửa này là hệ vì kèo thép được tạo hình nan như những chiếc đò ngang. Đây cũng là nơi tụi mình góp 1 khoảng xanh nhỏ cho con đường chính của Thủy Biều.
Nửa cung tròn thứ 2 ngăn các phòng lưu trú hướng ra khoảng sân sau riêng tư hơn bằng khoảng đệm hành lang mở rộng ở hai đầu, cũng là 2 cạnh của ranh khu đất. Dehue đón tiếp khách lưu trú bằng 1 ram dốc chậm rãi, 1 khoảng đợi ngoài sân với cây mai và cây cóc được mua lại từ những nhà dân trong khu vực giải tỏa. Hành lang đóng dần khi vào các phòng lưu trú và mở rộng ra hết cỡ ở khu bếp ăn.
Những giai đoạn nhỏ trong quá trình hình thành Dehue là khoảng thời gian chúng tôi trải nghiệm tính địa phương gần gũi và tác động chính ngược lại đến quá trình hình thành nên không gian này. Những bảng tên phòng làm bằng nghệ thuật làm Pháp Lam Huế, tủ với các mộc bản in tranh truyền thống làng Sinh, các khối inox làm bàn được lấy cảm hứng và được giữ nguyên bản từ sự gợi nhớ nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị, các khung cửa, đầu giường nan tre từ làng nghề đan lát Bao La, chụp đèn ngủ từ khung tre làm nón bài thơ làng Dạ Lê, khảm mảnh sành từ ngói men phục vụ trùng tu các di tích được chính các nghệ nhân địa phương đặt để,… Tất cả đều là mong muốn gợi mở nho nhỏ cho du khách tìm hiểu và khám phá thêm trong khoảng thời gian lưu trú ở Huế.
Sân trước cùng hàng chè tàu một phần kêu gọi giữ lại giá trị các con đường ở Thủy Biều như nó vốn có. Hàng chè tàu Dehue được mua lại từ các hộ dân xung quanh nơi mà nó sẽ bị cắt bỏ để giải tỏa mặt bằng mở rộng đường Bùi Thị Xuân.
Xuất phát từ 1 khu đất trống không giữa không gian nhà vườn và cây ăn trái, Dehue cũng là một khu vườn được tạo dựng mới bằng những mảnh ghép từ những khu vườn cũ. Khu vườn sẽ cứ thế tiếp tục tồn tại và phát triển như là một phần vốn có của địa phương. Bản thân công trình cũng muốn đóng một vai trò nhỏ trong việc giữ gìn văn hóa Huế theo một cách gần gũi nhất, giữ gìn và gợi mở nhất cho những vị khách đến thăm.