Cổng | t+m design office
THÔNG TIN DỰ ÁN:
- Công trình: Cổng
- Địa điểm: Làng Ngọc Hồi, Xã Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội
- Diện tích khu đất: 433m2
- Diện tích xây dựng: 81.3m2
- Tổng diện tích sàn: 151.33m2
- Đơn vị thiết kế: t+m design office
- Số tầng: 2
- Năm hoàn thành: 2022
- Ảnh: Hoàng Lê
Mang đầy tính biểu tượng “ CỔNG “ có nghĩa ẩn dụ của một khoảng trống được chừa lại để làm lối ra vào của một khu vực, ngôi làng, ngôi nhà .v.v. và khá quen thuộc khi chúng ta nghe từ “ CỔNG LÀNG “, “ CỔNG ĐÌNH “, CỔNG CHÙA “ …, nó như một tính cách đặc trưng và mang nhiều tầng lớp ý nghĩa khác nhau. CỔNG cũng được hình thành từ những vật chất định tính, một hình dạng cụ thể tùy thuộc vào từng cấp độ khác nhau, như cổng làng là nơi phân chia phần đất thổ cư (đất làm nhà ở, vườn) và phần đất canh tác (đất trồng lúa, trồng khoai, hoa màu). Người sống thì sống sau cái cổng làng, người chết thì chôn bên ngoài cổng làng. Cổng làng có vị trí rất quan trọng trong đời sống thực và đời sống tâm linh của con người. Tượng tự như vậy CỔNG nhà cũng góp phần phân chia không gian nội tại của gia đình với những không gian công cộng bên ngoài, khi xây cất cổng người sử dụng cũng thường ghi lại những đúc kết cũng như mong muốn cho đời sống hưng thịnh của gia đình bằng những câu đối trên cổng, cùng với đó là thời điểm hoàn thành việc xây cất cổng nhà hoặc các công trình khác xuất hiện trên khuôn viên của ngôi nhà như miếu thờ …
CỔNG là một trong những thành phần kiến tạo nên hồn của nơi chốn. CỔNG cũ của ngôi nhà được giữ lại, hiện diện ở đó, đóng vai trò gắn bó lâu dài với đời sống, ký ức của người sử dụng. CỔNG cũng là một khoảng trống được mở ra để tiếp nhận những thứ mới khác nhau trong đời sống hiện đại đang liên tục thay đổi từng ngày, nhưng vẫn có những trật tự riêng của nó bởi những quan hệ nội tại cùng chung sống trong đó như: không gian thờ tự (tâm linh), miếu thờ của gia đình cũng góp phần để trật tự trên ranh giới (đường biên) đó được duy trì, giúp con người tiếp nhận và kiến tạo những thứ ý nghĩa hơn của đời sống hiện tại. Những thành phần cũ được dọn dẹp lại làm nguyên liệu để xây dựng công trình mới. Đồng thời những thứ “ cũ và mới “ đặt cạnh tương hỗ lẫn nhau tạo nên bầu không khí quen thuộc từ đó tạo điều kiện kiến tạo một nơi chốn mới được tiếp diễn từ những thành phần trong lịch sử, những ước vọng về một đời sống hưng thịnh và an yên được thể hiện trên những văn tự đã được ghi lại trên cổng cũ cũng như trên miếu thờ.