Căn hộ Empire City | TD architects

THÔNG TIN DỰ ÁN

  • Tên công trình: Căn hộ Empire City
  • Thiết kế: TD Architects
  • Diện tích: 134m2
  • Kiến trúc sư: Nguyễn Như Ý

“Anh chị từng chuyển gần chục nơi ở, nhưng vẫn chưa cảm thấy nơi nào thật sự là của mình, nơi mình thuộc về, dù không phải mình không có điều kiện để làm nên điều ấy.”,  lời chia sẻ của khách hàng đặt nhà thiết kế vào trạng thái tâm lý lạ kỳ: vừa tràn đầy cảm xúc, thách thức, vừa lo lắng, băn khoăn.

“Khi thiết kế nhà cho khách hàng, mình thường đi theo hướng lựa chọn giữa ba cảm xúc: hoặc là ngôi nhà của kỷ niệm với những giá trị có từ ngày xa xưa nào đó của họ, hoặc thể hiện giá trị hiện tại, hoặc chất chứa những hoài bão, tương lai. Khi mình đặt các vấn đề đó ra, anh đã khẳng định: anh muốn ngôi nhà của mình đi theo hướng của kỷ niệm.”.

Và câu chuyện thiết kế nhà của họ bắt đầu bằng những buổi trò chuyện giữa hai người đàn ông, một khách hàng tuổi U50 từng trải, đã thành công, có bao điều muốn đặt vào nhà mình, để nó trở thành một góc tâm hồn của anh, với một kiến trúc sư trẻ muốn hiểu anh để tạo nên không gian sống thể hiện con người, cuộc sống, tình cảm của anh.

Gia chủ làm nghề tài chính, công việc của anh toàn những con số khô khan và anh ước rằng khi buông việc xuống được trở về một nơi ấm áp, thân thuộc, yêu thương. Căn hộ của anh hướng ra sông Sài Gòn, còn vùng ký ức kỷ niệm của anh lại hoài mong về miền Bắc, nơi anh sinh ra và sống đến tuổi 15 rồi mới cùng gia đình vào phương Nam. Ký ức đẹp trong tuổi thơ của anh là con đường đi qua những cánh đồng, qua một cái cổng làng, qua một cái ao sen. Như lời anh bồi hồi: “Những kỷ niệm ấy đẹp lắm. Nhất là cái ao sen ấy đẹp lắm. Chiều chiều, mẹ gọi anh vào ăn cơm, mâm cơm thường có những món ăn liên quan tới sen. Thế mà mấy đứa con anh lớn lên giữa thành phố này lại chẳng biết gì về điều đó.”. 

Lời chia sẻ của khách hàng gợi được mạch cảm xúc trong nhà thiết kế trẻ: hình ảnh đẹp đẽ trong ký ức của gia chủ sẽ chắt lọc để chuyển hóa vào ý tưởng thiết kế không gian sống. Không thể biến ngôi nhà thành một chốn quê hoàn toàn Bắc Bộ được, bởi vợ của anh là người Sài Gòn. Không thể “ép” chị sống trong không gian ký ức của riêng anh. Họ đã chọn phong cách thiết kế chuyển tiếp, đặt những cánh đồng, cây đa, đồng lúa, ao sen… vào không gian đương đại của căn nhà. Những chất liệu gắn bó với hồn quê của người Việt như bình gốm, chén sứ, tranh sơn mài khảm rơm, xà cừ, vỏ trứng… chính là những hình ảnh thân thuộc với chủ nhà từ trong ký ức.

Hình ảnh ao sen thơm nồng đẹp đẽ được nhắc đi nhắc lại trong căn hộ: trần nhà là những vòng sóng lung linh của mặt nước, vách tường là hình ảnh những bông sen, những con cá bằng đồng, chiếc đèn treo trên bàn ăn hình chiếc lá sen rũ xuống… đều được đặt làm riêng. Còn bức tranh hoa sen trên tường được đặt mua từ một họa sĩ người Việt đang sống ở Thái Lan.