THÔNG TIN VỀ CÔNG TRÌNH
- Tên công trình: Vương Đình Temple
- Đơn vị thiết kế: Cote Architects
- Địa điểm: Thủy Biều, Thành phố Huế
- Diện tích khu đất: 420 m2
- Diện tích xây dựng: 95m2
- Năm Hoàn thành: 2024
- KTS chủ trì: Hoàng Việt Hùng
- Tổng diện tích sàn/ Diện tích sử dụng/ Mật độ: 190m2 / 190m2 /21%
- Người chụp ảnh: Hoàng Lê
Niềm cảm hứng: Vuong Dinh Temple được lấy cảm hứng từ sự kết nối sâu sắc giữa kiến trúc truyền thống Việt Nam và phong cách đương đại. Đây không chỉ là nơi thờ tự tổ tiên mà còn là biểu tượng của sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên, giữa quá khứ và hiện tại, gợi nhắc những giá trị văn hóa bền vững.
Bối cảnh địa phương: Nằm trong làng cổ Thủy Biều – một khu vực nổi tiếng với cảnh quan thanh bình, những khu vườn nhà đặc trưng và dòng sông Hương thơ mộng – Vuong Dinh Temple phản ánh nét đặc trưng của kiến trúc Huế, tận dụng tối đa vẻ đẹp thiên nhiên và khí hậu nhiệt đới để thiết kế một không gian hài hòa.
Đặc điểm nổi bật: Điểm nổi bật của công trình là sự kết hợp táo bạo giữa khối bê tông thô mộc hiện đại với các yếu tố truyền thống như hiên nhà, hành lang, và hệ cửa gỗ. Công trình vừa mang tính chất biểu tượng của không gian thờ cúng linh thiêng, vừa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt cộng đồng, tạo nên một tổng thể hài hòa giữa công năng, thẩm mỹ và văn hóa.
Vương Đình Temple vừa là nơi thờ cúng tổ tiên linh thiêng của dòng họ Vương Đinh, vừa là không gian sinh hoạt cộng đồng và tụ họp của dòng họ.
Tọa lạc trong khu vườn của dòng họ Vương Đình tại làng cổ Thủy Biều, cách trung tâm thành phố Huế 5km, Vương Đình Temple là sự hòa quyện bản sắc giữa truyền thống và hiện đại. Ngôi làng nằm ẩn mình bên dòng sông Hương êm đềm, nổi tiếng với khung cảnh yên bình và vẻ đẹp tự nhiên đặc sắc. Đây cũng là nơi lưu giữ những giá trị kiến trúc nhà vườn đặc trưng của vùng đất cố đô. Trong khung cảnh thơ mộng này, công trình với hình khối bê tông thô mộc đã tạo nên sự tương phản đầy thú vị, tôn vinh tinh thần của nơi chốn và hòa nhập tự nhiên một cách chân thật.
Ý Tưởng và Thiết Kế Kiến Trúc
Công trình được thiết kế dưới dạng hình khối chữ nhật tối giản, kích thước 8,5 x 11 mét, lấy cảm hứng từ hình ảnh nhà ba gian truyền thống của địa phương. Thiết kế ưu tiên sự rõ ràng và tối giản, trong đó lớp vỏ bê tông đóng vai trò bảo vệ các không gian chức năng bên trong. Bề mặt bê tông thô được để lộ ra các đường nét tự nhiên và hoa văn của ván khuôn gỗ, tạo nên vẻ đẹp vật liệu chân thực và giàu tính xúc cảm. Ánh sáng tự nhiên và bóng đổ được tận dụng khéo léo để làm cho vật liệu tưởng như cứng nhắc trở nên sống động hơn.
Cấu trúc chính của công trình là lớp vỏ bê tông cốt thép liên khối, kết hợp từ tường đến mái một cách liền mạch. Lớp vỏ này được đặt nổi trên các dầm chạy dọc theo nhà, tạo cảm giác như công trình đang lơ lửng trên mặt đất. Giữa lớp vỏ bê tông và lõi chức năng bên trong là một không gian chuyển tiếp gồm hiên, hành lang và khoảng thông tầng. Không gian này đóng vai trò như lớp đệm, giúp cân bằng giữa nội thất và cảnh quan xung quanh. Bố cục kiến trúc được tổ chức theo cấu trúc ba lớp:
- Lớp vỏ bê tông – Khung bao ngoài bảo vệ.
- Không gian chuyển tiếp – Bao gồm hiên nhà và hành lang.
- Lõi chức năng – Là phần tường gạch và cửa bên trong.
Cách bố trí này không chỉ giúp công trình ứng phó hiệu quả với khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều ở địa phương mà còn đảm bảo thông gió và giảm thiểu ảnh hưởng của độ ẩm lên công trình.
Chức Năng và Bố Cục Không Gian
Công trình đóng vai trò kép: vừa là nơi thờ cúng tổ tiên linh thiêng, vừa là không gian tụ họp của đại gia đình dòng họ Vương Đình.
- Tầng 1: Là không gian sinh hoạt cộng đồng với một hiên lớn nối liền khu vườn bưởi xanh mát và một căn hộ nhỏ để gia đình sử dụng. Đây là nơi các thành viên tụ họp trong các dịp quan trọng của dòng họ.
- Tầng 2: Là không gian thờ cúng chính, hướng ra khu vườn thông qua lớp cửa gỗ truyền thống và hiên nhà kéo dài.
Cổng vào công trình được thiết kế với tỉ lệ lớn, tạo cảm giác trang nghiêm. Bên cạnh cổng là hình ảnh hai chú chó đá – biểu tượng quen thuộc trong tín ngưỡng người Việt. Những linh vật này không chỉ mang ý nghĩa bảo vệ mà còn là biểu tượng của may mắn, thể hiện sự kết nối sâu sắc giữa văn hóa tâm linh và đời sống hàng ngày.
Vai Trò của Không Gian Hiên
Một trong những điểm nhấn của công trình là không gian hiên, đặc trưng của kiến trúc truyền thống Việt Nam. Hiên nhà được thiết kế mở rộng theo phương ngang với hệ kết cấu vượt nhịp, tạo cảm giác kết nối liên tục giữa không gian bên trong và ngoài. Sự liền mạch này làm mờ ranh giới giữa kiến trúc và thiên nhiên, giúp công trình như hòa quyện với cảnh quan xung quanh.
Chất Liệu và Triết Lý Thiết Kế
Chúng tôi sử dụng bê tông như một “chất liệu sống,” kết hợp ánh sáng và gió tự nhiên để mang lại sự linh hoạt và chuyển động cho không gian. Những khoảng trống được tạo ra có chủ đích, để ánh sáng và luồng khí len lỏi vào bên trong, làm mềm đi sự thô cứng của bê tông và mang đến cảm giác gần gũi với thiên nhiên. Triết lý thiết kế của công trình là sự cân bằng giữa tự nhiên và nhân tạo, giữa tĩnh lặng và chuyển động.
Ý Nghĩa Văn Hóa và Tâm Linh
Với ý nghĩa là nơi tụ họp và thờ cúng tổ tiên, Vương Đình Temple tiếp nối truyền thống gìn giữ bản sắc văn hóa qua nhiều thế hệ. Đây không chỉ là một công trình kiến trúc mà còn là câu chuyện về sự hòa hợp giữa con người, thiên nhiên, và giá trị văn hóa bền vững.
Vương Đình Temple là minh chứng rõ ràng cho sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, tôn vinh tinh thần Việt Nam trong bối cảnh đương đại.