• THÔNG TIN VỀ CÔNG TRÌNH
  • Tên công trình: NONG NIA HOUSE
  • Đơn vị thiết kế: Chong Chóng Architecture
  • Địa điểm: Cẩm An, Hội An, Quảng Nam
  • Diện tích khu đất: 200 m2
  • Năm Hoàn thành: 2024
  • Kiến trúc sư chủ trì: Nguyễn Văn Chương
  • Team thiết kế kiến trúc – nội thất: Ái Trân, Văn Trọng, Bùi Cường, Việt Hoàng, Chiêu Anh
  • Ảnh: SuKha_Studio

Chủ nhà đã chia sẻ về những ký ức tuổi thơ gắn liền với ngôi nhà tranh ở quê, nơi mà anh đã từng ngồi dưới hiên, hít thở mùi thơm của lúa chín, của rôm rạ, của những bãi cỏ và bụi trúc,… Những kỷ niệm ấy đã khắc sâu trong tâm trí anh, và bây giờ khi đã trưởng thành, anh muốn tái hiện lại không gian đó trong chính ngôi nhà của mình. 

Anh không tìm kiếm sự hào nhoáng, mà mong muốn một không gian giản dị, mộc mạc nhưng tràn đầy hồn quê. Do đó, anh mong muốn ngôi nhà của mình gần gũi với thiên nhiên thông qua việc sử dụng các vật liệu tự nhiên, thô sơ, tránh xa những yếu tố công nghiệp. Yêu cầu này thách thức đội ngũ thiết kế phải tìm ra giải pháp tối ưu, sử dụng gỗ, tre trúc và mái tranh để tạo nên một không gian sống hài hòa, thân thiện với môi trường. Từng chi tiết trong ngôi nhà được chú trọng để không chỉ giữ được nét tự nhiên, mà còn mang lại sự ấm cúng và gợi nhớ về những ký ức đồng quê bình dị mà anh chủ nhà mong muốn tái hiện. 

Khu đất nằm gần biển, mang lại nhiều lợi thế về ánh sáng và gió tự nhiên, nhưng cũng đặt ra thách thức lớn cho đội ngũ thiết kế. Gió mạnh, độ ẩm cao từ biển có thể ảnh hưởng đến độ bền của vật liệu xây dựng, trong khi diện tích khu đất lại không quá lớn. Điều này yêu cầu sự sáng tạo trong việc bố trí không gian để ngôi nhà vẫn đón nhận được luồng khí mát từ biển nhưng không bị tác động tiêu cực bởi thời tiết khắc nghiệt của miền Trung. Bên cạnh đó, việc kết hợp các yếu tố tự nhiên vào kiến trúc, đồng thời giữ được sự hài hòa với cảnh quan xung quanh mà vẫn đảm bảo tính riêng tư, là một thách thức đòi hỏi đội ngũ thiết kế phải đưa ra những giải pháp tối ưu.

Về phần kiến trúc, khối nhà được thiết kế với phong cách đơn giản, gần gũi với thiên nhiên nhưng vẫn hiện đại. Đặc điểm nổi bật là lợp mái tranh trên mái bê tông, mang đến sự mát mẻ và thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, khối nhà chính còn được tạo thành từ các khối bê tông vững chắc, kết hợp với hệ thống cây xanh leo bám, giúp làm dịu mắt và giảm bớt sự khô cứng của vật liệu thô.

Hàng rào ngôi nhà được kết hợp giữa gỗ tự nhiên và bụi trúc, mang đến một cảm giác mộc mạc, gợi nhớ về không gian làng quê Việt Nam. Bên cạnh đó, lối vào được điểm nhấn bằng cánh cổng gỗ với thiết kế đơn giản, tinh tế và mái tranh truyền thống, không chỉ giúp che mưa nắng mà còn tạo ra một cảm giác đậm chất quê nhà, mang đến một không gian đón tiếp gần gũi và bình yên. Chúng tôi muốn khi bước qua lối vào, người ta cảm nhận được sự chuyển tiếp từ bên ngoài đô thị nhộn nhịp vào một không gian sống chan hòa với thiên nhiên.

Lối tiếp cận và hiên nhà được thiết nhằm tạo ra một không gian giao hòa giữa bên trong và bên ngoài, giúp ngôi nhà thực sự hòa mình vào thiên nhiên. Chúng tôi muốn mỗi thành viên trong gia đình cảm nhận được ánh sáng tự nhiên, làn gió mát và sự tươi mới từ cây xanh ngay từ bên ngoài bước vào lối tiếp cận cũng như từ trong bước ra hiên nhà. Vật liệu gỗ và đá được chọn lọc kỹ càng để mang lại sự ấm áp, mộc mạc, nhưng vẫn giữ được độ bền bỉ theo thời gian. Những chi tiết như giàn cây leo trên mái hiên hay những ô cửa lớn được bố trí khéo léo để ánh sáng có thể len lỏi vào từng ngóc ngách, đồng thời gió có thể dễ dàng luân chuyển, tạo nên một bầu không khí trong lành và thoáng đãng.

Khu vực sân vườn không chỉ đóng vai trò là yếu tố cảnh quan mà còn là một phần không thể tách rời của ngôi nhà. Việc bố trí cây xanh bao quanh và xen kẽ các khối bê tông giúp tạo nên một lớp vỏ tự nhiên, vừa làm dịu bớt sự khô cứng của các vật liệu thô mộc, vừa giúp điều hòa vi khí hậu cho ngôi nhà. Không gian mở kết hợp với hệ cửa gỗ lớn giúp nhà hòa nhập với sân vườn, mang lại sự thoải mái cho gia đình.

Nét ấn tượng của ngôi nhà không thể bỏ qua đó là khối bê tông chính vươn ra ngoài và giải phóng kết cấu, không chỉ tạo nên sự nổi bật của kiến trúc, mà còn tạo ra không gian mở cho khu vực bên dưới. Đội ngũ thiết kế đã tính toán kỹ lưỡng để khối bê tông có thể trở thành mái che bảo vệ khu vực sinh hoạt ngoài trời, giúp sử dụng không gian khu vực bên dưới một cách linh hoạt.

Tiếp nối vào ngôi nhà là khu vực phòng bếp và phòng khách được thiết kế theo phong cách hiện đại, với việc sử dụng không gian mở để tối đa hóa sự kết nối giữa thiên nhiên và nội thất. Các cửa kính lớn trải dài từ sàn đến trần nhà tạo ra một dòng chảy ánh sáng tự nhiên, đồng thời mở ra tầm nhìn trực tiếp ra vườn cây xanh mát. Đây là yếu tố chủ chốt mà kiến trúc sư muốn hướng tới – mang đến sự thoải mái, thư thái và cảm giác gần gũi với thiên nhiên. Thiết kế sử dụng gỗ và bê tông trần tạo cảm giác ấm cúng và bền vững, kết hợp với hệ thống chiếu sáng hài hòa cùng những chiếc đèn thả từ nón lá, lồng chim và vải thổ cẩm truyền thống mang đậm tính bản địa cũng như văn hóa Việt Nam.

Vê các Toilet trong căn nhà, thiết kế  mong muốn kết hợp thư giãn tối đa với tính tự nhiên. Điều quan trọng ở đây là mang không gian xanh vào trong phòng tắm thông qua những cửa kính lớn, giúp người sử dụng luôn có cảm giác gần gũi với thiên nhiên, nhưng vẫn được bảo vệ về mặt riêng tư nhờ vào hệ thống rèm tre. Những chi tiết như bồn rửa mặt bằng đá mài và mặt bàn gỗ tự nhiên được chọn để tạo sự liền mạch với phong cách tổng thể của ngôi nhà, mang lại cảm giác mộc mạc nhưng hiện đại. Bên cạnh đó, ánh sáng tự nhiên được tận dụng tối đa qua các cửa sổ lớn nhằm tiết kiệm năng lượng và tạo ra không gian rộng rãi.

Khu vực hồ bơi được thiết kế như một phần mở rộng của không gian sống, hòa quyện giữa thiên nhiên và kiến trúc. Cây xanh bao quanh tạo cảm giác gần gũi, mát mẻ, trong khi sàn gỗ tự nhiên kết nối liền mạch giữa trong nhà và ngoài trời, mang lại sự thư giãn không chỉ từ nước mà còn từ cảnh quan xung quanh. Chúng tôi chọn cửa gỗ ô gió bởi vì nó giúp tối ưu hóa sự thông thoáng tự nhiên, cho phép không khí lưu thông liên tục, đặc biệt là trong khí hậu nhiệt đới. Bên cạnh đó, nó còn điều tiết ánh sáng một cách tinh tế, đồng thời kết hợp hài hòa giữa phong cách hiện đại và nét truyền thống Việt Nam, với vật liệu gỗ mang lại cảm giác gần gũi, bền vững.

Ngôi nhà được xây dựng chính từ gạch không nung, loại gạch này mang tính bền vững, có khả năng cách nhiệt, cách âm tốt và thân thiện với môi trường do giảm khí thải carb on. Loại gạch này bền chắc, chịu lực tốt, tiết kiệm năng lượng, giữ mát trong khí hậu nhiệt đới. Các vật liệu khác gồm gỗ, tranh (lá sen), Terrazzo, và bê tông trần đã tạo nên một không gian sống hiện đại nhưng gần gũi với thiên nhiên. Việc sử dụng gỗ tự nhiên mang đến sự ấm cúng, bền vững và thẩm mỹ. Các vật liệu xây dựng đã nêu đa phần là vật liệu từ địa phương, điều này đã đóng góp cho nền kinh tế của địa phương.

Ngôi nhà nằm tại vùng biển miền Trung, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của thời tiết khắc nghiệt, với mùa nắng nóng kéo dài và mùa mưa bão thường xuyên. Để đối phó với điều kiện thời tiết này, đội ngũ thiết kế đã đưa ra giải pháp thiết kế:

  • Cấu trúc mái hai lớp: Ngôi nhà sử dụng cấu trúc mái hai lớp  để vừa đảm bảo tính bền vững vừa tối ưu hóa khả năng cách nhiệt. Lớp mái chính được làm từ bê tông, một vật liệu vững chắc, chịu lực tốt và chống chịu được với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt là trong mùa mưa bão. Phía trên lớp bê tông, bố trí thêm một lớp mái tranh sen, có khả năng cách nhiệt tự nhiên. Mái tranh sen không chỉ giúp giảm sức nóng từ mặt trời, giữ cho không gian bên dưới luôn mát mẻ vào mùa hè, mà còn tạo nên cảm giác gần gũi, hòa mình với thiên nhiên. Ngoài ra, mái tranh còn giúp ngăn các yếu tố tự nhiên tiếp xúc trực tiếp vào lớp bê tông.
  • Tăng cường cây xanh: Khu vực xung quanh nhà được phủ kín bởi cây xanh và hàng rào trúc, vừa tạo cảnh quan tự nhiên, vừa đóng vai trò như một lớp chắn bảo vệ ngôi nhà khỏi tác động của gió lớn. Những mảng xanh này không chỉ giúp giảm nhiệt độ không gian bên ngoài mà còn tạo ra môi trường sống gần gũi với thiên nhiên, cải thiện chất lượng không khí.
  • Sử dụng vật liệu tự nhiên: Các vật liệu như gỗ, Bê tông thô, Đá mài, Tranh cỏ sen có khả năng điều hòa nhiệt độ tốt. Ngoài ra, việc sử dụng các vật liệu địa phương như đá mài, đá rửa còn góp phần giảm chi phí xây dựng và tạo nên nét đặc trưng riêng cho ngôi nhà.
  • Tạo đối lưu không khí: Ngôi nhà tận dụng tối đa các giải pháp đối lưu không khí tự nhiên thông qua cửa ô gió, gạch thẻ, không gian mở và cửa sổ lớn. Cửa ô gió giúp lưu thông không khí, giảm nhiệt độ. Không gian mở kết nối các khu vực, tạo dòng chảy không khí liền mạch, còn các ô cửa sổ đón gió và ánh sáng tự nhiên, tạo đối lưu hiệu quả. Tất cả các yếu tố này giúp không gian luôn thoáng mát, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường.
Xem thêm thông tin chi tiết của công trình NONG NIA HOUSE