Nhà vườn Tây Ninh | Story Architecture

THÔNG TIN VỀ CÔNG TRÌNH

  • Tên công trình: Nhà vườn Tây Ninh 
  • Địa điểm: Đường Bùi THị Cúc, KQH Bàu Vá, Phường Trường An, Thành phố Huế.
  • Diện tích khu đất: 314m2
  • Diện tích xây dựng: 125m2
  • Diện tích sàn: 300m2
  • Đơn vị thiết kế Kiến trúc: H.BD atelier
  • Kiến trúc sư chủ trì: KTS Phạm Việt Anh
  • Team thiết kế kiến trúc: KTS Phạm Việt Anh, KTS Nguyễn Văn Đức, KTS Nguyễn Vũ Hoàng
  • Đơn vị thiết kế nội thất, cảnh quan: H.BD atelier
  • Đơn vị thi công: Nhà thầu địa phương
  • Kết cấu: KS Nguyễn Minh Hoàng
  • Năm hoàn thành: 2023
  • Chủ đầu tư: Nguyễn Văn Phúc – Phạm Ngọc Huyền
  • Nhiếp ảnh: Phạm Việt Anh

Bối cảnh:
Ở Việt Nam, gia đình ba thế hệ sống cùng nhau là cách thức ở khá gần gũi và thân thuộc vẫn còn cho đến nay. Nhờ đó sự gắn kết và tình cảm gia đình được chia sẻ nhiều hơn, tạo ra nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp. Tuy vậy, cách sống hiện đại và nhu cầu càng tăng lên về diện tích sử dụng, những đứa trẻ lớn lên cần thêm những không gian riêng tư. Đôi vợ chồng trẻ mong muốn tạo lập một ngôi nhà mới, với những mong cầu đặc biệt về một ngôi nhà do họ vun đắp. Đặc biệt là sự quan tâm đến những khu vườn, nhiều cây xanh ăn trái và vườn rau sạch.
Khu đất với diện tích 314m2 nằm ở ngã ba trong khu quy hoạch mới Thành phố Huế, với xe cộ đi lại khá đông đúc. Nhờ con kênh thủy lợi phía trước mặt tiền giúp ngôi nhà có một khoảng lùi lớn với dãy nhà phân lô đối diện, tầm nhìn thoáng cũng như tăng tính riêng tư cho gia đình nhiều hơn. Mặt tiền hướng Tây – Nam dễ bị ảnh hưởng bởi ánh nắng gay gắt, chủ nhà mong muốn diện tích xây dựng vừa đủ, lùi sâu và để dành cho diện tích khu vườn nhiều nhất có thể. Vì thế, việc nghiên cứu một cách cẩn trọng về Bối cảnh của khu đất sẽ đảm bảo ngôi nhà hạn chế được các điều kiện bên ngoài tác động, cũng như tạo ra nhiều giải pháp và cấu trúc đặc biệt cho ngôi nhà.

Không gian:
Cấu trúc ngôi nhà được phân chia thành Ba khu vực. Hai bên hướng theo trục Đông – Tây là khoảng Đặc chứa các chức năng Riêng tư của gia đình. Khoảng Rỗng ở giữa là phòng khách – cốt lõi của bố cục không gian kiến trúc. Phương án xoay 45 độ theo trục Bắc – Nam nhằm định hướng không gian là điểm trung gian kết nối từ vườn trước ra vườn sau, giữa người sử dụng bên trong và không gian bên ngoài. Hướng Nam mở lớn với hệ vách kính theo chiều cao mái, vừa có thể đón gió mát vào mùa hè, vừa tránh nắng và mưa hiệu quả vào mùa Đông. Sự cảm nhận về thay đổi môi trường theo thời tiết, ánh sáng, thời gian ngày và đêm. Sự kết nối với đô thị về âm thanh, khoảng lùi sâu của khu vườn và tận dụng cảnh quan bên ngoài giúp khu vườn được nới rộng hơn về mặt thị giác; nhưng vẫn đảm bảo tính riêng tư nhờ lớp hàng rào gạch bao quanh. Hệ cửa kính thấp băng ngang ở hướng Bắc mở ra vườn sau của ngôi nhà, nhờ sự đối lưu chéo theo cả phương ngang và phương dọc giúp ngôi nhà luôn mát mẻ và thoáng đãng.
Tầng áp mái nâng chiều cao ngôi nhà lên trở thành khoảng đệm của không khí trên cao, được hòa lõng và thoát ra nhờ hệ thống thống gió lam chớp. Bên cạnh đó, hệ thống kỹ thuật cũng đặt ở đây, được đảm bảo sự che chắn của mái giúp ổn định và ít bị tác động của thời tiết.
Con người:
Các khoảng đóng mở ngăn chia các khu vực khép kín và không gian rỗng trong ngôi nhà tạo ra dòng chảy quanh co tự do. Tính dẫn dắt từ các không gian sinh hoạt chung tới chức năng thuộc về cá nhân, mỗi bước đi là một hành trình với những góc nhìn khác biệt. Cùng với đó là sự kết nối bằng âm thanh, giúp cho mỗi không gian là một khoảng lặng cá nhân, mỗi thành viên trong gia đình đều có thể chọn lựa sự kết nối hãy lắng mình. Với tầng một, tính Công cộng ở không gian Bếp – ăn bên trong là nơi quây quần của gia đình hằng ngày. Hiên phía trước phòng khách là nơi sinh hoạt, vui chơi, ăn uống ngoài trời kết nối ngay với sân vườn. Thì tính Riêng tư của phòng ngủ Master lại quay tầm nhìn hướng về khu vườn riêng bên trong. Với tầng hai, Không gian sinh hoạt chung, học chung là nơi kết nối giữa các thành viên trong gia đình mỗi ngày; thì hai phòng ngủ nhỏ là nơi thể hiện được tính cá nhân của con cái được mở ra khu vườn phía trước. Cụm khối ngủ 2 tầng đều đặt ở hướng Đông giúp đón nắng vào buổi sáng và mát mẻ hơn vào cuối ngày. Bầu không khí của mỗi thời điểm là xúc cảm mà thiết kế muốn mang lại.
Như vậy, với dự án này, thiết kế đưa ra một tổ hợp khối chức năng đan xen vào nhau, tạo ra những khoảng Đặc – Rỗng, Đóng – Mở, Công cộng – Riêng tư; kết nối các yếu tố bên trong ra thiên nhiên bên ngoài. Sự ứng xử giữa ngôi nhà và bối cảnh, giữa con người và tự nhiên. Tính hòa hợp và nương tựa sẽ tạo ra sự cân bằng cho cuộc sống con người.