Zig House | Công ty Kiến trúc Xây dựng Đất Thủ
- Địa chỉ: 492 Nguyễn Văn Trỗi, P. Phú Lợi, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương
- Đơn vị thiết kế: Công ty Kiến trúc Xây dựng Đất Thủ
- Diện tích: 224m2
- Năm hoàn thành: 2023
- Ảnh: Minq Bui
Nằm giữa nhịp sống nhộn nhịp của khu dân cư, Zig House sở hữu vị trí đắc địa với đầy đủ tiện ích xung quanh như chợ, bệnh viện, nhà hát, trường học… Mặc dù vị trí này mang lại nhiều thuận lợi, nhưng lại ẩn chứa một thách thức không nhỏ: Mặt tiền nhà có hướng nhìn ra ngã ba đường và chịu ảnh hưởng của nắng hướng Tây Bắc.
Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đã khéo léo xoay chuyển hướng nhà, bằng cách tạo dựng hình khối đánh lừa thị giác, tạo nên một mặt tiền nghiêng về hướng Bắc. Thiết kế này không chỉ giúp ứng biến phù hợp ngữ cảnh, giảm thiểu tác động của ánh nắng gay gắt mà còn góp phần tạo nên một điểm nhấn ấn tượng giữa khu phố.
1. Khi chữ Z trở thành cảm hứng kiến trúc
Ý tưởng thiết kế Zig House bắt nguồn từ một chi tiết nhỏ nhưng đầy ý nghĩa: Logo chữ Z của thương hiệu “Zolo Media” mà gia chủ đang kinh doanh. Từ đó, các kiến trúc sư đã hình thành nên một ý tưởng táo bạo: Biến chữ Z trở thành hình khối chính của ngôi nhà. Không chỉ là một chi tiết trang trí, hình khối ZigZag còn đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề khắc phục những nhược điểm vốn có của nhà phố thông thường như ánh sáng, thông gió và hạn chế hướng nhìn trực diện từ ngã ba, tạo nên một luồng giao thông đóng mở linh hoạt.
2. ZigZag tạo ra không gian đặc rỗng
Hình khối ZigZag không chỉ mang đến một vẻ ngoài ấn tượng cho ngôi nhà mà còn là kết quả của một quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng về khí hậu và ánh sáng. Bằng cách kết hợp những khoảng đặc rỗng đan xen, thiết kế này tận dụng tối đa nguồn gió từ vị trí cuối ngã ba, giúp các chức năng quan trọng của ngôi nhà tương tác tốt hơn với môi trường bên ngoài. Không gian của Zig House được xử lý khéo léo, đủ kín để giữ tính riêng tư và chống lại thời tiết khắc nghiệt, nhưng vẫn đảm bảo độ mở nhờ các ô gạch đặc rỗng đan xen, tạo thành bức tường thông gió. Luồng gió tự nhiên lưu thông qua các khoảng đệm, đi vào lõi giếng trời ở giữa trục nhà, rồi tiếp tục thoát ra ngoài qua các ô gạch bông gió, tạo nên một vòng tuần hoàn thông gió tự nhiên. Ngoài chức năng đón gió, các ô gạch đặc rỗng còn đóng vai trò như một lớp chắn nắng hiệu quả. Ánh sáng mặt trời được giảm đi 50%, biến các ô gạch này thành một hệ thống điều hòa nhiệt độ tự nhiên.
3. Bản phối mới trên nền vật liệu gạch đinh
Gạch đinh sử dụng trong công trình là loại gạch đinh Đồng Nai phổ biến ở địa phương, loại gạch bền, đẹp, giá hợp lý, không chỉ có tính ứng dụng cao vào việc xây kết cấu vững chắc thường thấy, loại gạch này cũng được tận dụng để tạo nên những điểm nhấn nổi bật trong không gian nhà hiện đại. Bằng cách áp dụng kỹ thuật xây gạch không tô, các viên gạch được sắp xếp đan xen và cố định bằng vữa, sau đó được bảo vệ bằng lớp sơn chống thấm. Không chỉ đảm bảo tính bền vững cho công trình mà còn tạo nên những mảng tường sống động. Như một cách làm cho kiến trúc hiện đại quen thuộc hơn và kiến trúc truyền thống được sống lại. Vừa tạo độ thông thoáng, cũng đồng thời kiêm luôn nhiệm vụ tách khối, tôn đường nét của khối nhà.
4. Công năng Zig Zag
– Tầng trệt của Zig House được thiết kế với lối đi ZigZag từ hai lối giao thông chính và phụ, tạo ra hai luồng giao thông sinh hoạt riêng biệt. Điều này không chỉ mang lại cảm giác ngôi nhà “nép” về một bên, tránh hướng nhìn trực diện ngã ba, mà còn tạo ra những lợi thế đáng kể:
+ Hình khối ZigZag giúp hình thành một không gian xanh bên ngoài. Bên trong, thiết kế này phân bố công năng một cách hợp lý, đồng thời mở ra một trục giao thông chính, giúp lưu thông gió và đón ánh sáng tự nhiên, tạo được khoảng mở cho hồ nước làm mát không gian.
+ Hai lối đi chính và phụ được bố trí hợp lý, tạo ra hai luồng giao thông độc lập. Điều này đảm bảo sự riêng tư cho từng thành viên trong gia đình.
– Lầu 1: Không gian lặp lại theo hình khối tầng trệt, mặt tiền sẽ hướng theo hướng Bắc để tránh ánh nắng gắt và hướng nhìn không mong muốn ra ngã ba, đồng thời duy trì sự hài hòa trong toàn bộ cấu trúc của ngôi nhà.
– Tầng tum: Phần mái được tận dụng làm một khoảng sân lớn, phía trước tạo thành một không gian nghỉ ngơi thư giãn cho gia đình và bạn bè, phía sau là một khoảng sân phơi, kết hợp với việc trồng những loại cây ăn trái theo sở thích của gia chủ.
5. Zig Zag kết nối không gian, kết nối thế hệ
Không gian nhà được tổ chức theo hình ZigZag, với khu bếp là trung tâm. – nơi mà cây xanh – bầu trời – con người chạm nhau. Ở vị trí này, các thành viên đều có thể dễ dàng để mắt đến các thành viên còn lại. Ngược lại không gian thông tầng mở ra các view nhìn cho các phòng, từ phòng ngủ chính, gia chủ có thể quan sát toàn bộ không gian sống, giống như một đài quan sát nhỏ. Khi đó, những đứa con có thể bước ra hành lang hoặc ngó qua cửa sổ để hỏi mẹ ơi hôm nay mẹ nấu món gì? Hoặc ngược lại, người ba, có thể gọi với lên phòng các con, học hành chăm chỉ còn xuống ăn cơm. Rồi cái mùi thức ăn ấm cúng cũng nhờ đó mà đi len lỏi trong các không gian gia đình vào mỗi giờ cơm, nhắc nhở, mời gọi, quyến luyến. Cái sự trò chuyện mỗi ngày tưởng như không quan trọng đó, chính là dạng hữu hình nhất của sự kết nối các thành viên trong một gia đình. Cũng từ đó, khởi đầu cho một khái niệm tưởng như đơn giản mà lại vô cùng khó – sự quây quần.
Bằng cách này hay cách khác, các công trình với những tính toán kỳ công đều mong muốn mang lại những trải nghiệm đầy ý nghĩa, như lối kiến trúc mà chúng tôi cùng chủ nhà dựng xây nên. Từ ý tưởng phá cách hình zigzag đến sự kết hợp không giới hạn giữa các yếu tố đặc-rỗng và cũ-mới, tất thảy đều được thiết kế để ôm ấp những cảm xúc riêng biệt. Tại khu bếp đầy ắp món ngon, góc học tập đủ đầy ánh sáng, hay khu vườn dạo bước mỗi ngày.
Bởi khi thời gian đi qua, chỉ những khoảnh khắc bên dưới mái nhà là thứ còn ở lại.