lei oi cà phê | TRAN TRUNG Architects

THÔNG TIN VỀ CÔNG TRÌNH
  • Địa chỉ: Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng
  • Đơn vị thiết kế: TRAN TRUNG Architects
  • KTS chủ trì: Trần Trung
  • Nhóm thiết kế: Nguyễn Đăng Bổn, Ngô Quốc Vũ, Trương Ngọc Toản,  Nguyễn Ngọc Tiến
  • Diện tích: 96m2
  • Năm hoàn thành: 2024
  • Ảnh: Hoàng Lê

“lei ơi cà phê” tọa lạc tại khu dân cư phát triển năng động phía Đông Nam TP. Đà Nẵng, khu đất xây dựng trong bối cảnh các ngôi nhà ống chật hẹp nằm san sát nhau, đưa ra đề bài cho việc thiết kế một không gian thưởng thức cà phê kết hợp nhà ở có sự cởi mở hoàn toàn với tự nhiên, làm chậm rãi nhịp sống vội vã đang ngày càng chiếm lĩnh thành phố này.

 

Cảm hứng chính của thiết kế đến từ ý tưởng khám phá một cấu trúc rổng tối đa có lối di chuyển xoay quanh cầu thang có bậc cấp xuyên sáng nằm ngay trung tâm của ngôi nhà, và thật thú vị là điều đó lại mang đến một không gian nội tại có đầy đủ các yếu tố của tự nhiên như: ánh sáng và bóng tối, sự chuyển động của gió, cây xanh và bóng mát cùng cả hương vị ngọt ngào của cà phê. Công trình không chỉ hòa quyện với bối cảnh xung quanh mà còn tự tạo cho mình một đời sống riêng biệt, nơi mà chúng ta có thể cảm nhận rõ nét sự di chuyển của ánh sáng theo thời gian.

 

Từ vỏ bọc bên ngoài đến không gian nội thất bên trong đều in đậm dấu vết của thời gian bằng cách sử dụng chất liệu khiêm tốn, với triết lý “ hồi sinh vòng đời ” của các phế liệu và phế phẩm xây dựng tưởng chừng như bị lãng quên. Từng tấm tôn lợp mái nhà, mặt dựng cho đến vật dụng trang trí nội thất, gạch vỡ trãi nền nhà…đều được chúng tôi thu gom từ các bãi phế liệu và tái sử dụng một cách khéo léo cho các chức năng khác nhau.

 

Bức tường hướng Đông và hướng Nam được làm rổng bằng cách xếp chồng các viên gạch đất nung, tạo ra “ khoảng thở ” giúp không khí đối lưu thụ động thông qua lỗ gạch, mang đến tầm nhìn hấp dẫn và giúp điều chỉnh vi khí hậu cho không gian sử dụng bên trong. Không khí nóng từ bên ngoài được làm mát trước khi đi vào bên trong nhờ chức năng thẩm thấu nước tuyệt vời của gạch đất nung truyền thống (các viên gạch được làm ẩm ướt và lưu trữ một lượng nước nhờ hệ thống phun sương được lặp đặt phía trên các bức tường). Quá trình này diễn ra một cách tự nhiên và tiết kiệm tối đa năng lượng làm mát cho công trình vào những ngày nắng nóng của miền Trung Bộ.

 

Ở bên trong, chúng tôi muốn biến tấu ánh sáng phức tạp trở nên sống động bằng việc biến ngôi nhà trở thành một chiếc hộp rổng, được lấp đầy bằng các vệt nắng. Toàn bộ cấu trúc được giải phóng tối đa, tạo nên một khoảng trống cao lớn, mọi ranh giới ngăn cách giữa bên trong và bên ngoài bị xóa bỏ. Ánh sáng liên tục lan tỏa trong toàn bộ không gian, kết nối các thành phần kiến trúc, con người và tự nhiên, tạo nên một màn trình diễn nghệ thuật đầy hấp dẫn của ánh sáng.