Trường đào tạo lập trình viên quốc tế Aptech | AfA Design

THÔNG TIN DỰ ÁN:

  • Tên công trình: Trường đào tạo lập trình viên quốc tế Aptech
  • Địa điểm công trình: 19 P. Lê Thanh Nghị, Bách Khoa, Hai Bà Trưng, Hà Nội
  • KTS chủ trì: KTS Nguyễn Văn Sinh
  • Nhóm thiết kế: Đặng Hoàng Linh
  • Năm hoàn thành: 2023
  • Tổng diện tích: 315 m2
  • Đơn vị thi công: 19 P. Lê Thanh Nghị, Bách Khoa, Hai Bà Trưng, Hà Nội
  • Ảnh: Hoàng Lê

THUYẾT MINH 

Aptech là một tổ chức chuyên đào tạo ngành công nghệ thông tin, chúng tôi được giao nhiệm vụ thiết kế cho cơ sở mới của họ ở Lê Thanh Nghị, Hà Nội. Hiện trạng là tầng 3 của một tòa nhà văn phòng, chỉ có mặt thông thoáng duy nhất ở hướng Tây và có diện tích khá nhỏ 315m2 cho quy mô gần 200 người của một trường học.

 Ngay sau khi tiếp cận đề bài, chúng tôi nhận thấy việc tạo ra những khoảng không hấp dẫn ngoài không gian lớp học là rất quan trọng bời toàn bộ không gian của trường đều là trong nhà. Bởi vậy thay vì bố cục thông thường với một trục hành lang thẳng dẫn đến các phòng học, chúng tôi xô đẩy 2 bên hành lang tạo những khoảng không gấp khúc. Những khoảng không này khiến hành lang không chỉ đơn thuần là một trục để di chuyển (khiến nó dễ dàng bị trôi tuột qua), mà còn là chỗ mọi người có thể dừng chân tám chuyện hay nghỉ ngơi (mắc lại, đậu lại, nán lại, …). Không chỉ vậy sự đồng nhất những đường gấp khúc này ở khu vực đa năng khiến nó như là phần mở rộng của khu vực đa năng vốn đã có diện tích rất hạn chế so với quy mô lớp học.

 Mặt khác, mặt phía Tây là mặt duy nhất có thể thông gió, lấy sáng cho cả công trình, tuy nhiên nó lại khiến cho công trình bị một lượng bức xạ nhiệt rất lớn vào buổi chiều. Chính vì vậy khu vực phía Tây chúng tôi tìm cách chia nhỏ mặt tiền với các không gian nhỏ và riêng tư hơn kết hợp với vách ngăn di động giúp hạn chế tối đa khoảng không gian không dùng được khi bị nắng.

Các vách ngăn ở hành lang là vách kính để ánh sáng có thể khuếch tán vào sâu khu vực phòng học phía đông. Ngoài ra vách ngăn giữa các phòng cũng không phải là vách kín hoàn toàn mà để lại một khoảng kính giúp tăng tính kết nối giữa các phòng đồng thời cũng tăng khả năng khuếch tán ánh sáng giữa các không gian.

Dự án này đánh dấu một thử nghiệm quan trọng của chúng tôi về về việc tạo ra những khoảng trống không có công năng gì cụ thể nhưng lại cho phép rất nhiều điều thú vị xảy ra trong đó.