Nhà hướng Nam | Cuong building workshop
THÔNG TIN DỰ ÁN:
- Tên công trình: Nhà hướng Nam (South-oriented house)
- Địa điểm: Xã Thiết Ống, Bá Thước, Thanh Hóa
- Diện tích: 175m2
- Đơn vị thiết kế: Cuong building workshop
- Đơn vị thi công: Thợ xây dựng địa phương
- Kiến trúc sư chủ trì: Hà Đức Cương
- Năm thiết kế: 2021
- Năm hoàn thành: 2023
- Ảnh chụp: Hà Đức Cương
Như cách đặt tên của ngôi nhà, “Nhà hướng Nam” tức là nhà quay về hướng Nam, được thiết kế có dụng ý nhằm tận dụng “hướng địa lí thuận lợi nhất” trong bối cảnh nhiệt đới như hướng di chuyển của mặt trời, hướng gió thịnh hành để ngôi nhà mát về mùa hè và ấm về mùa đông. Hầu hết những ưu điểm mà ngôi nhà có thể mang lại đến từ kinh nghiệm xây dựng của người dân địa phương ở miền Bắc Việt Nam, những người đã học cách sống chung với khí hậu nhiệt đới trong nhiều thế kỷ.
Nhiệm vụ thiết kế:
Ngôi nhà nằm ở huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, cách thủ đô Hà Nội của Việt Nam khoảng 200 km. Địa điểm xây dựng công trình nằm ở khu vực nông thôn bên ngoài thị trấn. Lô đất có hướng Tây Bắc – Đông Nam, không phải là hướng có lợi về mùa hè. Chủ nhân của ngôi nhà là một gia đình trẻ có hai con nhỏ. Họ có những yêu cầu thiết kế cơ bản mà kiến trúc sư phải cân nhắc: 4 phòng ngủ, 1 bếp, 1 phòng khách và 2 phòng tắm được thiết kế đơn giản, ít chi tiết và gần gũi với thiên nhiên. Quá trình thiết kế bắt đầu với việc nghiên cứu khu đất. Nếu sơ đồ mặt bằng của ngôi nhà nằm theo hướng của khu đất, công trình sẽ nóng đáng kể vào mùa hè vì phần lớn các mặt dài của ngôi nhà sẽ bị tiếp xúc với nắng nóng đến từ hướng Tây Nam và Đông Bắc. Do đó, việc giữ cho ngôi nhà luôn mát mẻ là điều cần được ưu tiên hàng đầu trong dự án này.
Ý tưởng và chiến lược thiết kế:
Các chiến lược thiết kế được xác định rõ ràng bởi 6 điểm chính sau:
1- Tục ngữ có câu: “Lấy vợ hiền hoà, dựng nhà hướng Nam”. Đó là kinh nghiệm mà nhiều thế hệ đã học được để xây dựng ngôi nhà truyền thống. Về mặt khoa học thì quay nhà về hướng Nam là cách đơn giản nhất để đạt được khả năng làm mát thụ động. Ví dụ, nó cho phép ngôi nhà tránh được sức nóng gay gắt của mặt trời, nghĩa là các mặt ngắn nhất sẽ quay về hướng đông và tây, dẫn đến mức độ tiếp xúc với bức xạ mặt trời thấp. Giải pháp này làm mát ngôi nhà một cách đáng kể.
2- Một mái nhà thấp gần với mặt đất và vươn ra xa so với các bức tường được áp dụng để tạo bóng mát có thể giúp công trình tránh tiếp xúc với ánh sáng trực tiếp của mặt trời. Giống như ngôi nhà truyền thống, ngôi nhà mới có mái hiên sâu và dài hướng về phía Nam để tạo bóng mát ở lối vào không gian trong nhà. Do chuyển động của mặt trời vào mùa hè thì hàng hiên ở hướng Nam là phần có khả năng tạo bóng tối hiệu quả nhất cho căn nhà. Ngoài ra, cách làm truyền thống này còn có thể giảm chói cho mắt không gây khó chịu vì lượng ánh sáng đi qua hàng hiên là vừa đủ, không quá gắt.
3- Thứ ba, thời tiết nhiệt đới kết hợp giữa nhiệt độ cao và độ ẩm cao gây cảm giác khó chịu. Thông gió tạo điều kiện làm mát cơ thể, đối lưu và bay hơi là điều cần thiết cho sự thoải mái của con người. Do đó để làm mát một ngôi nhà trong điều kiện khí hậu nóng ẩm như Việt Nam, kiến trúc sư đã cố gắng sử dụng thông gió tự nhiên để mang những luồng gió mát vào trong nhà và nhiệt thừa trong không khí ra khỏi nhà. Quay nhà về hướng Nam sẽ có cơ hội mở được nhiều cửa, đón gió nhiều hơn. Đặc biệt, ở miền Bắc hay Bắc Trung Bộ, những hướng có gió mát vào mùa hè thường đến từ hướng Nam hoặc Đông Nam.
Để thông gió tốt hơn, các hoạt động ban đêm và các hoạt động ban ngày được phân tách bởi các sân trong, tạo ra lối thoát khí cho gió thổi vào nhà từ hướng Nam (về mặt nguyên tắc, có gió vào thì phải có gió ra). Ngoài ra, sân trong cũng tạo ra không khí ấm cúng, gần gũi với thiên nhiên, mọi người ở trong nhà nhưng vẫn có thể cảm nhận được thời tiết và sự thay đổi của các mùa trong năm. Sân trong thường không xuất hiện ở nhà truyền thống, tuy nhiên đã tồn tại ở nhiều công trình kiến trúc cổ ví dụ như chùa Thầy ở Hà Tây, giúp thông gió và tạo ánh sáng cho những không gian nằm sâu vào bên trong.
4- Vì đồng hồ sinh học của con người có xu hướng chạy theo chuyển động của mặt trời: chúng ta buồn ngủ khi trời tối, có lượng ánh sáng vào phòng thấp và muốn thức dậy, hoạt động khi có nhiều ánh sáng. Quan sát biểu đồ Mặt trời tại địa phương cho thấy, trong tất cả 4 mùa thì Mặt trời sẽ cho nhiều ánh sáng nhất từ phương Nam. Do đó, cách bố trí công năng nên cho biết con người thích nghi với ánh sáng mặt trời như thế nào: phòng ngủ ở phía bắc vì khi ngủ cần ít ánh sáng mặt trời hơn, phòng khách và nhà bếp ở phía nam do nhu cầu nhiều ánh sáng hơn cho các hoạt động ban ngày.
5- Để cách nhiệt tốt hơn: 3 khu vệ sinh được đặt ở hướng Tây và hướng Đông để làm vùng đệm cho các phòng ngủ và hành lang.
6- Về cảnh quan, chúng tôi đề xuất ao trước nhà và sân trước lát gạch đất nung (gạch đỏ) vì đây là giải pháp làm mát hiệu quả, chi phí thấp do đất nung có khả năng giữ ẩm và giữ nước bên trong. Đối với hàng rào, thay vì xây dựng tường rào kín và đặc, hàng rào của công trình được thi công bằng gạch xây có các khoảng trống ở giữa để gió lùa vào bên trong khu đất và hàng rào cũng sẽ nguội nhanh hơn do có nhiều bề mặt tiếp xúc với không khí hơn.
Nhìn chung, điểm mấu chốt trong đồ án này là quay trở lại với những giá trị thiết yếu nhất của một ngôi nhà nhiệt đới đáng sống “làm mát thụ động” để tối đa hóa tiện nghi nhiệt cho con người. Điều đó cũng tương tự như những gì ngôi nhà truyền thống có thể làm với giải pháp đơn giản: hướng về phía Nam để thông gió tự nhiên tốt hơn, cách nhiệt tốt hơn và tạo ra nhiều bóng đổ trên vỏ bọc của căn nhà.