Nhà Tiền Giang | FYL Design & Build

THÔNG TIN DỰ ÁN:

  • Tên công trình: Nhà Tiền Giang 
  • Đơn vị thiết kế: FYL Design & Build
  • Kiến trúc sư chủ trì: Vũ Hoàng Yến
  • Địa điểm: TP. Mỹ Tho, Tiền Giang
  • Tổng diện tích: 2000m2
  • Diện tích sàn: 235m2
  • Thời gian hoàn thành: 5 tháng
  • Năm hoàn thành: 2022
  • Nguồn ảnh thực tế: Phú Đào

Câu chuyện về ngôi nhà, những kỷ niệm đáng nhớ và một số giải pháp kiến trúc chính.

Đề bài và cảm hứng dự án

Căn nhà phục vụ nhu cầu chủ yếu cho 2 người sinh sống (ông & bà), cuối tuần và dịp lễ tết sẽ có con cháu về ở và căn nhà xây trên đất sẵn có của ông bà, căn nhà cũ đã được phá bỏ. 

Đây là món quà của chị chủ đầu tư – con gái tặng cho ba mẹ. Đơn vị thiết kế vẫn còn nhớ khoảnh khắc xúc động khi ông bà về căn nhà mới, bà đã khóc và bày tỏ sự hạnh phúc khi ở tuổi này được con mình xây tặng một căn nhà lớn đẹp như vậy. Trong quá trình thiết kế ông bà được chị chủ gửi xem hình phối cảnh nhưng ông bà chưa hình dung rõ thực tế như thế nào và trong suốt quá trình thi công, chỉ có chị chủ theo dõi hoàn toàn. Chị chủ không để ông bà về.

Đơn vị thiết kế đi tìm định nghĩa chung cho thiết kế của ngôi nhà chính từ phong cách sống của gia chủ: giản dị, hoài niệm, sống cân bằng, gắn bó với con người và gần gũi với thiên nhiên. Ông bà và chị chủ đều là người có phong thái nhẹ nhàng, điềm tĩnh và rất tình cảm. Thiết kế dự án theo hướng những ngôi nhà Nhật tối giản hiện đại, đường nét tinh gọn, chắt lọc những chi tiết truyền thống, tone màu nhẹ nhàng, ấm áp, vật liệu cơ bản có chút mộc hòa hợp với thiên nhiên như gỗ, đá, bê tông thô, hệ thống cửa và vách kính rộng giúp gia chủ vừa sử dụng tối đa nguồn ánh sáng tự nhiên lại vừa có thể tận hưởng trọn vẹn cảnh quan thư thái xung quanh.

Đơn vị thiết kế muốn đây sẽ là căn nhà của sự đoàn tụ. Cụ thể đó là căn nhà dù ít hay nhiều người sống thì ông bà vẫn sẽ luôn có cảm giác ấm áp, thân thuộc, gần gũi và mọi thành viên luôn hướng về sự sẻ chia. Ông bà mong muốn căn nhà mới vẫn sẽ có cảm giác quen thuộc và sinh hoạt vẫn có thể theo nếp sống cũ như đã từng ở căn nhà xưa.

Ông rất thích cây và chăm cây, vì vậy ông muốn giữ được diện tích vườn lớn, giữ lại được hầu hết những cây ông đã chăm sóc. Vì vậy đơn vị thiết kế đã tính toán diện tích vừa đủ phục vụ sinh hoạt cho ông bà và bố trí 2 phòng ngủ phụ và WC cho con cháu ghé về, diện tích còn lại dành cho sân và khoảng xanh.

Ông bà muốn có nhiều góc nhìn ra vườn, có hiên rộng vì phần lớn thời gian ông bà thích dùng bữa và ngồi trò chuyện ở hiên, ngắm nhìn khoảng xanh mà ông chăm sóc. Đơn vị thiết kế đã tính toán ưu tiên diện tích cho phần hiên lớn và dài tạo được tầm nhìn thoáng rộng, phần hiên này được bố trí hướng nhìn bao quát từ phần sân trước qua phần sân bên. Phần sân có diện tích lớn và mảng xanh lớn nhất, phần cây xanh lớn sát lớp rào đủ cao để tạo sự riêng tư cho sân này, tránh tầm nhìn từ các nhà kế cạnh, bộ bàn trà và bàn ăn được bố trí phục vụ sinh hoạt cho ông bà. 

Tất cả các không gian bên trong đều view nhìn ra vườn từ cửa sổ, cửa đi, vách kính,… tùy vào công năng cửa từng không gian mà có cửa sổ và cửa đi lớn hay nhỏ.

Các giải pháp thiết kế và kinh nghiệm.

Sự phối hợp giữa kiến trúc hiện đại và các chi tiết truyền thống để tối ưu cả công năng lẫn thẩm mỹ.

Mục tiêu và mong muốn lớn nhất của đơn vị thiết kế khi nhận thông tin dự án này là sẽ có thể tạo được sự hài hòa, cân bằng giữa tinh thần hiện đại và nét đẹp truyền thống trong tổng thể không gian. Ở phương án kiến trúc và cảnh quan, đơn vị thiết kế áp dụng hệ mái xéo theo lối kiến trúc nhà truyền thống nhưng được chắt lọc chi tiết chỉ giữ lại nét vạc xéo và các khối thẳng mạnh. Vật liệu hoàn thiện không sử dụng gỗ bao che hoàn toàn mà trên một khối sơn trắng, mảng tường gỗ đã trở thành vị trí nhấn nhá. Hệ mái xéo đưa xa và vật liệu màu sáng giúp giảm nhiệt độ ban ngày khá tốt. Hệ cửa cao rộng và một hàng hiên lớn cũng là cách xử lý truyền thống phù hợp với khí hậu và sinh hoạt theo lối sống gia chủ. Khối kiến trúc lọt thỏm những rừng dừa cũng gợi lên hình ảnh những ngôi nhà truyền thống xưa ở miền Tây Nam bộ. 

Bước vào không gian nội thất sẽ ấn tượng bởi hệ trần gỗ được nhấn bởi các chi tiết thanh lam sọc, đội ngũ thi công đã tính toán hệ trần vượt xa không bị cắt bởi dầm đà băng ngang để đảm bảo được cảm xúc không gian vừa nhẹ nhàng, thư giãn, tình cảm nhưng vẫn giữ nét hoài niệm truyền thống mà không bị nặng nề. Hệ trần cao với mái kiến trúc vươn xa giúp không gian bên trong luôn mát mẻ kết hợp với hệ kính cao giúp đón được nhiều nguồn sáng tự nhiên. Những vật dụng rời trong nhà như bàn ghế, tủ trang trí, giường,… đều được lựa chọn các kiểu dáng và vật liệu hoàn thiện từ cảm hứng truyền thống nhưng tinh gọn và tiện dụng với lối sống hiện đại. Tấm phảng, tủ thờ và một số tủ trang trí là những vật dụng lâu đời của ông bà được chọn lọc, giữ lại giúp không gian càng thêm không khí hoài niệm.

Giải pháp lấy sáng, thông gió 

Với hướng nhà phía Đông, đơn vị thiết kế sử dụng hệ mái cao, hệ cửa và vách kính mặt tiền – mặt bên cao rộng nằm ở vị trí khối sinh hoạt chính liên thông từ phòng khách – bếp – ăn – hiên giúp tận dụng tối đa nguồn sáng tự nhiên. Cửa chính và lối cửa đi sau nhà giúp khối nhà đối lưu, thông thoáng. Khu vực cảnh quan ở phía Nam và phía Tây là nhóm cây lớn và gia chủ muốn giữ lại hoàn toàn nên đơn vị thiết kế đã bố trí đưa các phòng ngủ và WC về vị trí này kết hợp với hệ cửa sổ có diện tích tương đối sẽ đón được một nguồn sáng vừa phải, nhẹ nhàng và view nhìn thiên nhiên với sự riêng tư, yên tĩnh phù hợp. Ngôi nhà với 4 mặt vườn giúp đơn vị thiết kế bố trí dễ dàng các không gian trong nhà đều có cửa sổ, cửa thông gió giúp không gian luôn thông thoáng và tận hưởng view thiên nhiên trọn vẹn.

Không gian FYL hài lòng nhất

Đó là không gian chung giữa phòng khách – bếp – bàn ăn và phòng thờ. Các không gian này liên thông với nhau, phòng khách và bếp được phân tách bằng vách tủ TV thấp có thể xoay 360, khách và phòng thờ được ngăn nhẹ bằng hệ tủ trang trí. Không gian lớn này nằm ở khu vực có hệ trần lam gỗ cao nhất (~5m), đón nguồn ánh sáng đầu tiên trong ngày (nhà hướng Đông) từ hệ cửa lớn và vách kính, không gian có view nhìn ra khu vườn lớn và kết nối sinh hoạt lưu thông với khu hiên tạo cảm giác không bị ngăn cách, hưởng trọn không khí và cảnh quan thiên nhiên bên ngoài. Không gian này cũng chính là sản phẩm thể hiện chính xác nhất về sự đoàn tụ (nguồn cảm hứng chính), từ việc phối chi tiết truyền thống trong không gian tối giản và hiện đại, tone màu và vật liệu tạo cảm giác ấm cúng, thư giãn và quan trọng là việc bố trí khu chức năng để các thành viên sinh hoạt vừa riêng tư nhưng vẫn có sự kết nối, gắn bó trong cùng không gian lớn, không tạo cảm giác xa cách, không gian thờ cúng cũng được đặt ở một vị trí riêng tư, trang trọng nhưng vẫn có sự kết nối liền mạch với không gian chung bằng hệ tủ trang trí – nơi mà ông bà trưng bày những vật dụng, những bức ảnh kỷ niệm gia đình, tổng thể không gian lớn như một nơi liên kết giữa các thế hệ. 

Khó khăn và kinh nghiệm 

Đơn vị thiết kế đã gặp khá nhiều khó khăn khi thiết kế và thi công hệ mái để vừa đảm bảo thiết kế vừa cân đối chi phí cho gia chủ. Để đảm bảo thiết kế với 2 hệ mái xéo chống lên nhau, trong đó 1 hệ mái lớn rộng với đường xéo vừa phải và 1 hệ mái hiên dài vát xéo rất nhẹ. Với hệ hiên dài có  tỉ lệ góc mái chéo thấp kết hợp hệ mái ngói phẳng Fuji thì khó đảm bảo xử lý thoát nước mưa với nguồn mưa lớn như khí hậu hiện tại, đơn vị thiết kế đã phải thử nghiệm, điều chỉnh lại độ dốc mái và phối hợp xử lý máng xối trong quá trình thi công nhiều lần để đảm bảo thoát nước theo tiêu chuẩn. 

Việc nắm bắt vật liệu mới với chất lượng thẩm mỹ và độ bền giúp gia chủ cân đối chi phí nhưng cần sự chọn lọc tỉ mỉ. Ở dự án này thì tất cả các chi tiết hoàn thiện gỗ không hoàn toàn bằng gỗ mà có sự phối hợp nhiều vật liệu giả gỗ :  bê tông giả gỗ (conwood), laminate, melamine, gạch giả gỗ, gỗ tự nhiên. Việc phối hợp nhiều vật liệu giả gỗ mất khá nhiều thời gian chọn lọc và một số vật liệu cần làm mẫu nhiều lần để cân chỉnh ra được tổng thể hoàn thiện đồng nhất màu và vân gỗ sồi.