Nhà Thủ Đức | DQV Architects
THÔNG TIN DỰ ÁN:
- Tên công trình: Nhà Thủ Đức
- Kiến trúc sư chủ trì: Đào Quốc Việt
- Đơn vị thiết kế: DQV Architects
- Nhóm thiết kế: KTS. Đào Quốc Việt, KTS. Phạm Minh Hiếu, KTS. Trương Quốc Trọng, KTS. Linh Huỳnh
- Diện tích khu đất: 4.7m x 22m
- Địa điểm xây dựng: Thủ Đức, Hồ Chí Minh
- Diện tích: rộng 4.8m x chiều dài 22m
Chốn đón chút nắng và gió
Người Sài Gòn cảm nhận được thành phố này mỗi một năm qua đi lại đông đúc hơn, nén chặt hơn một chút vì sức nóng của phát triển kinh tế và đô thị. Điều này vô tình làm cho việc tận hưởng nắng sớm ngoài sân, len lỏi đi vào ngôi nhà; hay đón cơn gió nhẹ thổi qua căn phòng làm dịu mát bầu không khí bên trong và nhẹ lòng người cư ngụ dần trở nên xa xỉ. Vì vậy, một chốn bình yên, trong lành, gần hơn với thiên nhiên, cảm nhận ánh nắng và gió là điều mong mỏi của nhiều gia chủ. Nó đặt ra bài toán cho người thiết kế cần phải cân đo đong đếm kỹ lưỡng trong 1 điều kiện cho phép của mỗi miếng đất, vị trí xây dựng, ngữ cảnh về đô thị và môi trường khác nhau.
Mặt chính của ngôi nhà là hướng Tây. Đây là một trở ngại đáng kể nếu mở quá nhiều trên mặt này vì sự tác động lớn của ánh nắng và bức xạ mặt trời gay gắt, nhất là khi Sài Gòn vào hè. Mục tiêu thiết kế của ngôi nhà vẫn được đặt trong mối quan hệ của khí hậu nhiệt đới nóng ẩm bản địa, nhằm đảm bảo công trình đạt sự thông thoáng và chiếu sáng tự nhiên, môi trường tiện nghi bên trong, và cảm nhận sự thay đổi của thiên nhiên.
Diện tích khu đất là rộng 4.8m x chiều dài 22m, với cấu trúc 1 trệt, 2 lầu, 1 sân thượng, chứa đựng 1 phòng khách, 1 bếp ăn, 1 chỗ làm việc, 1 phòng ngủ, phòng vệ sinh, sân phơi và vườn trên mái. Người thiết kế đã tìm thấy sự sắp đặt không gian ngược so với nguyên tắc thông thường – phòng khách ở phía trước, giáp với đường/hẻm, sau đó là phòng bếp + ăn, và không gian phụ trợ.
Không gian phòng khách + sinh hoạt chính của gia đình được bố trí ở phía sau nhà, quay về hướng Đông và có khoảng sân sau như là một khoảng xanh quý giá và vùng đệm tuyệt vời để điều tiết môi trường. Trong khi đó, nhà xe ở tầng trệt và bếp ở lầu 1 được sắp xếp về hướng Tây. Không gian phòng ăn cũng quay về hướng đông, nối kết mở một cách thú vị qua phòng khách, sau đó ra sân sau.
Phòng làm việc ở lầu 1 cũng quay vào sân sau, và giao tiếp với phòng khách bên dưới thông qua khoảng thông tầng rộng. Sự sắp đặt các không gian chính của ngôi nhà một cách có chủ đích theo tác động của mặt trời giúp cho không khí bên trong trở nên mát mẻ vì đón nắng sáng và gió mát từ phía đông.
Chỉ có phòng ngủ chính đặt ở hướng Tây, tuy nhiên, giải pháp che nắng được nhóm thiết kế quan tâm bằng khoảng lùi lớn và mái lam che. Ngoài ra, để giảm tác động bức xạ mặt trời lớn từ phía trên thì phần lớn diện tích mái được phủ bóng mát bằng cây xanh.
Mọi không gian chức năng bên trong nhà được thiết kế mở và bố trí theo hướng lệch tầng. Chúng được xâu chuỗi lại bằng khoảng thông tầng ở phòng khách và thang, sân trước và sau. Điều này không những làm cho sự liên kết và điểm nhìn về mặt không gian trở nên hấp dẫn hơn, mà còn đảm bảo môi trường bên trong tiện nghi tốt hơn. Ánh sáng tự nhiên có thể đi vào các gian phòng qua các lỗ mở trên 2 mặt tiền nha và khoảng mở đứng. Tuy nhiên, ánh sáng sẽ không quá gay gắt bởi sự tham gia của các không gian đệm như thông tầng, sân, và ban công. Ngoài ra, ngôi nhà sẽ đón được gió mát quanh năm từ cả hai hướng đông – tây, len lỏi qua các không gian trước khi thoát ra ở trên mái và cửa mở trên mặt đứng.
Việc bố trí phòng ngược như vậy không gây bất tiện vì phía dưới các bậc thang là không gian để xe ô tô. Không gian để ô tô vốn có mùi xăng và tiếng ồn nhờ vậy sẽ được tách biệt với phòng khách, không gian sinh hoạt của cả nhà.
Do chủ nhà không tiếp khách ở nơi ở, chủ yếu là người thân gia đình hoặc bạn bè thật sự thân thiết, nên việc đi xuyên qua nhà xe (không xuyên qua bếp) tới phòng khách cũng không gây bất tiện, không cần sự trang trọng. Thêm một điều khác biệt nữa so với các nhà phố có gara ô tô, việc làm lệch tầng sẽ làm cho không gian phòng khách thoáng đãng, kết nối với không gian bàn ăn và sử dụng hết chiều dài của khu đất, mà không bị giới hạn bởi khu vực gara.
Tầng sân thượng được đặt trên lầu 2 chứ không phải lầu cao nhất. Lầu cao nhất sẽ được bố trí các không gian có tần suất thử dụng thấp như nhà kho, khu giặt phơi. Nhờ đó mọi người trong nhà có thể tiếp cận không gian sân thượng để sinh hoạt một cách dễ dàng và thuận tiện hơn.
Với ngôi nhà này, nhóm thiết kế đã cho thấy sự quan sát và cân nhắc kỹ lưỡng khi sắp đặt không gian, thiết kế không gian theo phương đứng, thiết kế vỏ bao che cho che nắng và thông gió nhằm sáng tạo 1 cấu trúc công trình không chỉ đẹp về mặt không gian, mà có tính gắn kết với thiên nhiên, gắn kết xã hội, và mang đến một môi trường sống thoải mái, lành mạnh bên trong cho gia chủ.