The Falls House | Akitephile

THÔNG TIN DỰ ÁN: 

  • Tên công trình: The Falls House
  • Đơn vị thiết kế: Akitephile
  • Địa điểm: 102/9/47 100St Bình Thới, Q. 11, HCM
  • Diện tích dự án: 350m2
  • Năm xây dựng: 2020-2021
  • Chủ nhà: Dũng Trương – Hạ Hiền
  • Nhóm thiết kế: Lưu Quốc Thịnh, Nguyễn Hồng Ngọc, Nguyễn Trung Huy, Nguyễn Quang Kiên
  • Nhà thầu: Trương Long Ẩn (phần cứng), Uphouse (nội thất)
  • Ảnh: Dũng Huỳnh- DH Studio

Lẽ thường tình cái tâm trí con người cũng hoạt động tựa như cơ chế sinh học : thiếu thứ gì, ta lại thèm thức đó. Thèm được nếm lại một món ăn ngày trước mẹ vẫn hay nấu, thèm được hít hà những mùi hương của căn nhà cũ mà ta đã không ghé lại cũng hơn chục năm, thèm được nghe tiếng gáy của con dế chiến mà khi xưa vẫn bỏ ống bơ giấu đầu giường, thèm được nhìn thấy ánh nắng chơi đùa trên giàn cây trước hiên nhà, thèm được chạm vào những giá trị mà cuộc sống thường nhật có mơ cũng không cách nào ta có thể chạm đến. Giữa dòng đô thị tấp nập và hối hả, bản năng hướng về cội nguồn lịch sử hình thành hàng triệu năm của giống loài khiến chúng ta thèm hít thở một bầu khí quyển trong lành, thèm được hòa mình với biển khơi hay chu du nơi miền sơn cước. Những giá trị ký ức đến từ lịch sử tiến hóa đó được chúng ta níu giữ bằng những chuyến du lịch sau ngày dài làm việc mệt mỏi nhưng dường như vẫn chưa đủ. Đó là lý do vì sao nhiều người vẫn thích trồng cây, có riêng cho mình một khoảng sân vườn để nơi đó vùi mình với mùi lá vây trọn không gian, với vòm âm thanh vô tận hòa nhịp bởi tiếng chim ríu rít. “Thôi thì cây gì cũng được, miễn xanh là được. Nhà như thế nào cũng được miễn hơi thở thiên nhiên tha hồ thỏa thích lách mình vào từng ngóc ngách của căn nhà là đã hạnh phúc lắm rồi” Ước nguyện đó được chủ nhà gửi gắm với không một chút lý tính vì vốn dĩ những áp lực cuộc sống, những bộn bề lo toan cho một ngày dài làm việc đã là quá đủ để đến khi trở về nhà, đó chính là nơi xúc cảm lên ngôi. Hãy tạm ngưng số hóa về việc bố trí mảng xanh như cách người phương Tây vẫn hay tính toán hay hô hào về một kiến trúc bền vững vốn nổi đình nổi đám trong thời gian gần đây, một cách đơn giản và nhẹ nhàng, những mảng xanh xuất hiện, những lát cắt thiên nhiên hình thành chỉ để nuông chiều cái xúc cảm quý báu mà chỉ có “nhà” mới đủ sức quạt mát cái tâm trí nóng nảy nơi bàn giấy ban ngày.

Đường dây liên kết bằng một cách hữu ý hay vô tình nối dài đến tận thác Pongour để rồi trói chặt không gian hùng vĩ nơi này vào ý tưởng thiết kế ngôi nhà nơi đô thị. Những vách đá cắt xẻ do phong hóa kèm theo những tán cây bám rễ sâu vào từng khe đá khiến ai nấy cũng trầm trồ thán phục cảnh vật nơi đây. “Giá như được sống ở đây mà vẫn kiếm ra tiền như lúc dưới phố” chuyện không phải của riêng ai, vậy tại sao chúng ta không vớt vát một chút lãng mạn nơi núi rừng cao nguyên về ngay nơi chúng ta sống. Những mảnh ghép mang hơi thở thiên nhiên dần được hình thành và tạo nên mặt đứng chính của công trình. Cũng từ CaCO3, cũng từ đất đá, cát sỏi, thành phần hóa học cũng không khác với những núi đá sừng sững là bao, chỉ việc cách điệu khối dáng để trở thành một tạo vật thuộc về kiến trúc, vậy là cái cảm giác lạ mà quen, tưởng quen mà lại rất lạ sẽ làm hài lòng bất cứ ai sinh sống trong những hang đá nhân tạo này. Một hang đá nhân tạo. Cũng không ít người tin cả thế giới này hình thành từ bàn tay của một đấng tạo hóa, biết đâu chừng một quá trình phong hóa nào đó sẽ biến cái hỗn hợp gạch đá cát sỏi xi măng đó trở thành một phần của thiên nhiên. Thôi thì cứ tạm gác lại những quy tắc những nguyên lý để biến công trình trở nên vị nhân sinh hơn. Suy nghĩ đơn giản thì mấy ai mua mấy chậu cây để chưng trên bàn làm việc mà đoái hoài với cái giá trị bền vững của chúng hay lượng oxy chúng tạo ra trong một ngày là bao nhiêu. Chỉ đơn giản cái cảm giác được ngồi làm việc giữa um tùm cây xanh đó làm cho chúng ta thấy yêu đời hơn hay cái giây phút đứng dậy đi tưới cây cứ tưởng như thời gian bỏ quên chúng ta ở một góc phòng với cái cây mà ta đang tưới. Là vách đá, là cây xanh, là bất cứ thứ gì đi nữa thì việc tạo ra một ngôi nhà hạnh phúc và tràn đầy cảm xúc muôn đời vẫn luôn được xem như nhiệm vụ thiết kế của một người kiến trúc sư.

Chúng tôi gọi đó là chủ nghĩa thiên tính (naturalism), khi bản năng hướng về thiên nhiên của con người sẽ được thỏa mãn thông qua những mô phỏng kiến trúc. Trong một khoảng thời gian quá dài “Chủ nghĩa thiên tính”- “Naturalism” và “Chủ nghĩa bền vững”- “Sustainabilityism” thường bị nhầm lẫn với nhau. Trong khi “Chủ nghĩa bền vững’ tập trung giải quyết những vẫn đề thiên về logic, hiệu quả sử dụng năng lượng thì “Chủ nghĩa thiên tính” chỉ đơn giản là nuông chiều vuốt ve cái bản năng hướng về thiên nhiên của những người sống ở đó. Cái bản năng vốn dĩ được hình thành từ lịch sử tiến hóa hàng triệu năm trong hang đá của loài người. Cái bản năng khiến con người ta dường như vỡ òa mỗi khi đứng trước một kiệt tác nào đó của bàn tay tạo hóa. The Falls không nhận mình là một “công trình xanh” mà hướng đến một công trình “có cảm xúc”

Thiết kế vật lý kiến trúc:

Một khi hướng đến hình ảnh của một công trình “có cảm xúc” thì không đơn thuần dừng lại ở thẩm mỹ mà còn là xúc giác, thị giác khi công trình cần được tính toán chiếu sáng cũng như thông thoáng một cách hết sức kỹ lưỡng.

Về chiếu sáng, ở Việt Nam khác với các nước châu  u, nắng dường như con dao hai lưỡi khi xử lý vào trong công trình với lượng bức xạ nhiệt quá lớn. Nếu tham sáng, công trình sẽ bị nóng, người sử dụng sẽ có cảm giác mỏi mắt khi liên tục bị bức xạ mặt trời chiếu thẳng vào mắt. Nhưng ở chiều hướng ngược lại khi nhà không đủ sáng sẽ là điều kiện sinh sôi của vi khuẩn và nguyên nhân chính dẫn đến các bệnh khúc xạ mắt.

Nắm rõ yếu tố đó, nhóm thiết kế đã bố trí các khu vực cần nhiều sự thư giãn như phòng ăn phòng ngủ ẩn sâu vào bên trong công trình, ánh sáng lấy được đến từ các lỗ mở lớn nhưng hoàn toàn là ánh sáng gián tiếp chứ không đến trực tiếp từ ánh nắng mặt trời. Khu vực phòng học chơi cho trẻ được đặt trên cao với độ mở lớn và có ánh nắng chiếu trực tiếp giúp đủ sáng để làm việc học tập và vui chơi.