THÔNG TIN DỰ ÁN:

  • Tên dự án: Nhà Bình Dương
  • Đơn vị thiết kế: K59 atelier
  • Nhóm thiết kế: Phan Lâm Nhật Nam, Trần Cẩm Linh
  • Năm hoàn thành: 2020
  • Địa chỉ: 1/39, phường Bình Nhâm, Thị xã Thuận An, Tỉnh Bình Dương
  • Diện tích khu đất : 362m2
  • Diện tích xây dựng: 195 m2
  • Tổng diện tích sàn xây dựng: 234 m2

Thị xã Thuận An, Bình Dương là khu vực giáp ranh với thành phố Hồ Chí Minh về phía Bắc. Khu vực này nổi tiếng với vườn cây ăn trái cùng các sản vật đặc trưng vùng quê. Do đây là khu vực ngoại vi nên có mật độ xây dựng thấp và nhiều cây xanh, sân vườn. Những năm gần đây, với tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều khu vực dân cư đã mọc lên cùng với đa dạng các kiểu kiến trúc thành thị khác nhau và các vườn cây ăn trái liên tục bị san phẳng để làm đường, phân lô xây dựng nhà ở.

Nhà Bình Dương là sự sắp đặt thú vị khi nhóm thiết kế đã phải thay đổi khu đất và phương án thiết kế khi dịch Covid-19 bùng phát. Chủ đầu tư đã quyết định xây dựng nhà ngay trong vườn của nhà hàng thay vì một khu đất được phân lô ở ngoài đường lớn như dự tính ban đầu. Chúng tôi lựa chọn vị trí xây dựng nằm ở cuối vườn để đảm bảo sự yên tĩnh và riêng tư cho gia đình, tách bạch với sự ồn ào và náo nhiệt của hoạt động buôn bán của quán ăn đồng thời khởi sinh một khu đất ít sự chăm sóc, nơi tập kết rác và ít người lui tới.

Ở khu đất này, nhóm thiết kế bị ấn tượng bởi mười một cây xanh hiện hữu cùng các góc nhìn thoáng. Qua quá trình khảo sát, đo đạc và ghi lại vị trí, kích thước tán cây, KTS nhận thấy cây si và sanh là loài cây có sức sống mạnh với hệ rễ ngầm phức tạp cùng các bó rễ bò lan trên mặt đất. Nhóm thiết kế phải đặc biệt lưu tâm đến hạ tầng móng để tránh ảnh hưởng đến sự sống của cây cũng như hệ rễ lan bên dưới có thể ảnh hưởng đến công trình về sau. Dựa trên quan sát về đặc điểm của từng cá nhân trong gia đình: hoạt động, tính cách, nhu cầu… cùng với bối cảnh xung quanh, nhóm thiết kế bắt đầu hình dung về những không gian ẩn hiện dưới tán cây, thấp thoáng sau những bức tường lớn ở phía cuối con đường, để khi bước chân tới đó, giữa khoảng mở của hai bức tường, ngôi nhà và những không gian xanh mát khác bắt đầu hiện ra.

Tiêu chí thiết kế và những suy nghĩ của nhóm KTS

  1. Nhà trong quán và khởi sinh một khu vực bị lãng quên

Tiêu chí đầu tiên của đội ngũ KTS khi lựa chọn địa điểm là đảm bảo sự riêng tư và yên tĩnh cho gia đình: không chỉ tránh được tầm nhìn của khách và các hoạt động ồn ào của nhà hàng mà còn đảm bảo thuận tiện cho cuộc sống riêng tư của gia chủ. Tiêu chí thứ hai là đặt ra là sử dụng căn nhà mới như một giải pháp cải thiện giá trị của khu đất hiện hữu như giải phóng bãi rác tồn tại phía sau quán ăn và làm sạch hệ thống nước thải từ nhà vệ sinh hiện thường xuyên gây ô nhiễm kênh cấp nước cho vườn cây ăn trái. Theo quan sát của các KTS, ưu điểm của vị trí này là khu vực khá riêng tư và yên tĩnh, kết nối với vườn chuối rộng bao la phía sau, lại mát mẻ nhờ những tán cây lớn, vốn dĩ được chủ quán đưa về trồng từ rất lâu.

Các lối vào trước và sau của nhà đều đi qua vị trí quán ăn hiện hữu, việc làm sạch và cải tạo lối vào nhà vô tình cải thiện luôn các góc nhìn của nhà hàng ở cánh phí Tây và phía Đông quán ăn, vốn là nơi khách thích lựa chọn bởi có tán cây rộng cùng các góc nhìn thoáng mát.

  1. Gìn giữ mười một cây xanh hiện hữu

Điều đặc biệt nhất trong dự án này là 11 cây xanh hiện hữu trong khu đất, trong đó có 3 cây khế, 3 cây si và 5 cây sanh được cô chú chủ quán đem về trồng từ 20 năm trước. Giờ đây những cái cây đã lớn, phủ bóng xanh mát cho cả khu đất. Nhóm thiết kế quan niệm cây cũng như con người, chúng có linh hồn, cộng đồng và tiếng nói riêng; vì thế nhóm thiết kế quyết định giữ lại tất cả những cây có sẵn lâu năm trên khu đất. Quá trình giữ cây để tiến hành xây dựng là một cuộc chiến đấu khó khăn và vất vả khi nhóm thiết kế phải trực tiếp giám sát và nhắc nhở đơn vị ép cọc để tránh tổn thương đến hệ rễ và các nhánh chính của cây.

  1. Không gian truyền thống trong cuộc sống hiện đại

Không gian nhà được chia làm ba gian: gian giữa là nơi sinh hoạt chung và thờ tự của gia đình; hai gian bên là khu vực nghỉ ngơi dành cho các thành viên trong gia đình: phòng bố mẹ cạnh phòng ông để tiện chăm sóc, hai anh em trai sẽ cùng chia sẻ với nhau những tiện ích chung. Xen lẫn giữa các không gian là những khoảng sân trong, nơi được định hình bởi các gốc cây lâu năm hiện hữu. Các hoạt động trong nhà đều có góc nhìn hướng vào khoảng sân chính: nơi có hồ cá trải dài, bốn gốc cây lớn và vườn chuối thấp thoáng phía xa.

Các khu vực chức năng được liên kết bởi các hệ mái ngói gấp lên xuống cùng các bức tường đẳng hướng hình thành nên nhịp điệu riêng cho công trình. Hệ mái có độ dốc thoải 1 – 3 sẽ giúp công trình có chiều cao thấp và vươn dài cánh giúp hạn chế mưa tạt và giảm dần ánh sáng vào các chức năng bên trong công trình . Công trình có hệ mái cao ở giữa và thấp dần về hai bên cũng để bày tỏ sự linh thiêng của không gian thờ phụng và tôn trọng sự riêng tư của không gian nghỉ ngơi. Với người châu Á, vai trò của không gian thờ tự vẫn chiếm một vị trí quan trọng, thiêng liêng và không thể tách rời trong cuộc sống hiện đại.

  1. Sử dụng vật liệu quen thuộc tại địa phương

Đã từ rất lâu, khu vực Bình Dương và Đồng Nai nổi tiếng với nghề làm gạch và ngói. Vùng nơi đây thường được gọi là là thủ phủ gạch ngói. Từ vật liệu gạch lót sàn, gạch xây tường đến ngói lợp mái, nghề truyền thống nơi đây cung cấp đủ nguyên liệu xây nhà cho toàn bộ khu vực miền Nam. Đất nung là vật liệu lâu đời và gắn bó với hình ảnh của những người dân nơi đây. Đội ngũ KTS muốn sử dụng lại và biến tấu với bố cục khối đa dạng hơn, linh hoạt hơn. Hệ mái ngói gấp nếp lên xuống sẽ liên kết vùng không khí bên trên và sàn gạch Tàu khổ nhỏ sẽ liên kết toàn bộ không gian chúng ta di chuyển bên dưới . Màu của ngói và gạch đất nung kết hợp cùng nội thất gỗ mộc mạc giữ cho ngôi nhà luôn có sự ấm cúng và dung dị.

  1. Cửa đi và cửa sổ như một yếu tố kết nối giữa trong và ngoài

Cửa là một yếu tố cực kỳ quan trọng, một “chốt chặn” giữa không gian trong và ngoài. Sự khéo léo của những người thợ Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng cho đội ngũ KTS, đặc biệt là ở việc chế tác cửa, họ rất giỏi trong việc tạo ra các loại cửa khác nhau thích ứng với các vị trí khác nhau trong nhà và tùy theo nhu cầu sử dụng (cửa xếp lùa, cửa xoay, cửa lật). Trong quá trình làm việc, nhóm KTS thường gặp gỡ trao đổi với họ hàng 3 – 4 ngày/ lần để chỉnh sửa, nâng cấp chi tiết cửa. Sự sáng tạo và tận tâm trong các chi tiết và việc họ đề xuất ngược lại để đảm bảo sự an toàn, thuận tiện cho sử dụng hơn để lại dấu ấn mạnh mẽ.

“Cùng nhau, chúng ta suy nghĩ về sự bền vững trong thiết kế kiến trúc”

“Tôn trọng đặc điểm của vùng đất, bảo tồn văn hóa địa phương và quan tâm phân vùng khí hậu và cảnh quan xung quanh, chúng tôi luôn muốn bảo vệ những cây cối, sự đa dạng lòai, cũng như hệ sinh thái hiện có mà chúng tôi đã được biết và có thời gian quan sát từ lâu”.

Đô thị hóa nhanh chóng biến các khu vực nông thôn thành các khu vực ngoại thành hoặc bán đô thị. Phù hợp với sự mở rộng của thành phố, các khu đất thuộc nhà vườn, nhà ở nông thôn bị chia cắt bởi các tuyến đường và được chia thành nhiều khu nhà ở. “Phong cách kiến trúc thành phố” nhanh chóng được phổ biến và xây dựng. Hệ thống cây xanh lâu năm bị chặt hạ, kênh mương bị bồi lấp, thay vào đó là đường và nhà ở đô thị. Nhược điểm của việc phát triển này: Nguồn nước ngọt dưới đất cho vườn cây ăn trái bị ô nhiễm do quá trình bê tông hóa, chất thải xây dựng và hệ thống cây xanh bị phá hủy. Như đã biết, Song song với sự phát triển đó, những ngôi nhà thấp thoáng yên bình ở vùng quê vẫn hiện hữu bên cạnh, nơi người dân vẫn sinh sống bằng nghề nông và trồng cây ăn trái (vùng Lái Thiêu vốn rất nổi tiếng với các loại cây ăn trái như măng cụt, chôm chôm, sầu riêng long nhãn). Vậy câu hỏi đặt ra: Làm thế nào nó sẽ đối phó với vấn đề đô thị hóa khi cây xanh, nước ngầm và nước mặt không được quan tâm và chú ý?

Vị trí xây dựng Nhà Bình Dương với hai mặt giáp kênh rạch dẫn nước khắp vườn cây ăn trái phía Bắc và phía Đông. Điều đầu tiên chúng tôi đã nghĩ đến là việc bảo vệ dòng nước khỏi ô nhiễm và gìn giữ hệ thống cây xanh hiện có. Hạ tầng sử dụng 2 loại bể chứa : một bể chứa nước xám bố trí gần nhà vệ sinh và một bể lọc nước sạch trước khi chảy ra kênh. Nhóm KTS đặc biệt quan tâm đến sử dụng nước mưa để tưới tiêu. Các lu chứa nước được bố trí tại các máng thu nước để tái sử dụng nước mưa khi cần sử dụng cho các tháng khô hạn. Các cây ngoài trời được gìn giữ và đưa vào trong các khoảng sân trong nhà, vị trí cây được dùng để định hình nên ngôi nhà thay vì làm điều ngược lại.

Suy nghĩ về việc tôn trọng và giữ gìn cây xanh cũng như nghiên cứu và thi công các hệ thống ngầm 2 lớp lọc vốn dĩ không được quan tâm và không nhìn thấy được, nhưng nó lại đóng một vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nên một quan điểm : bền vững trong kiến trúc không chỉ từ công trình xây dựng ở phía trên mà còn là phần ẩn dưới công trình kiến trúc : phần hạ tầng móng, hệ thống cấp thoát nước,các lớp đất, mạch nước ngầm cùng hệ thống  rễ cây đan vào nhau chằng chịt và hoạt động một cách mạnh mẽ ở bên dưới.