Cần Thơ House | Landmak Architecture

THÔNG TIN DỰ ÁN:

  • Tên công trình: Cần Thơ House
  • Công ty thiết kế: LANDMAK ARCHITECTURE, JSC 
  • Kiến trúc sư chủ trì: Tạ Tiến Vĩnh, Trương Tuấn Chung
  • Nhóm cộng sự: Lê Minh Hoàng, Ngô Hùng, Thị Thảo ,Trần Phương,Trần Việt Phú, Đỗ Thọ Hà
  • Năm thiết kế: 2014
  • Năm hoàn thiện: 2016
  • Nhiếp ảnh: Quang Dam
  • Địa điểm: Cần Thơ – Viet Nam

Cần Thơ House là ngôi nhà được thiết kế dành tặng cho cặp vợ chồng trẻ. Người chồng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội còn vợ lại ở miền Tây Nam Bộ vì vậy trong cuộc sống và sinh hoạt của gia đình của họ là sự hòa trộn của hai nền văn hóa Bắc – Nam rất khác biệt và nhiều điều thú vị.

Miền Bắc là nơi có nền văn hóa bản địa mang đậm tư tưởng Nho giáo và truyền thống. Những quan niệm về Tam đại đồng đường, giữ lễ nghi (nghi thức) có hầu hết trong mọi gia đình gốc Bắc. Trong khi đó, người dân Miền Tây lại phóng khoáng, dân dã, và không quá cầu kỳ về lễ nghi trong cuộc sống hàng ngày. Chính vì vậy khi chàng trai gốc Bắc sống ở Miền Tây thì những ký ức tuổi thơ của anh lại ùa về. Với mong muốn truyền lại cho con cái cũng như thế hệ kế tiếp của mình một phần nào đó văn hóa bản địa của cố hương, Kiến trúc sư đã thiết kế ngôi nhà này theo quan điểm hòa trộn giữa Ký ức và hiện tại và đồng thời nó cũng là sự hòa trộn của 2 nền văn hóa – giữa kiến trúc truyền thống dân gian của Bắc Bộ và xen vào đó là những cảm xúc miệt vườn của Miền Tây sông nước.

 Thiết kế bên trong ngôi nhà rất mạch lạc nhưng cũng đầy thú vị và mang nhiều cảm xúc đặc biệt. Kiến trúc sư đã thiết kế 2 cầu để kết nối giao thông xuyên suốt các khối nhà, 1 cầu bằng bê tông, dốc (slope) kết nối phòng ngủ chính và phòng làm việc tại tầng 2, một cây cầu bằng thép màu vàng để kết nối phòng thờ với phần vườn nghiêng bên ngoài, và điểm kết của nó là một khoảng trống trên mặt đứng phía trước. Nó đặc trưng cho những ngôi nhà ống cũ của phố cổ Hà Nội. Những nếp mái như được tái hiện một cách nhẹ nhàng trong những bức tranh Phố Phái. Ngôi nhà có đến 4 mặt đứng khác nhau tạo nên những khoảng trống bị kẹp ở giữa như những cái giếng ánh sáng, những cảm xúc khác biệt khi chúng ta đứng dưới những không đó và đương nhiên ta có thể thấy bầu trời, lúc này cảm giác giữa bên trong và bên ngoài đã hoàn toàn bị đảo ngược.

Những khoảng thông tầng này đã tạo ra những lát cắt về không gian và ánh sáng cho ngôi nhà cũng như lấy sáng chủ đạo cho không gian bên dưới nó, cũng như là nguồn sáng trực tiếp cho những “Miệt vườn” nhỏ trong công trình…Giải pháp thiết kế này đã làm cho con người như hòa mình vào thiên nhiên, chạm tay vào cây cỏ, hoa lá cho dù ở bất kỳ không gian nào, thậm chí khi đi trên những cây cầu nhỏ “chênh vênh”.